Báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu năm 2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) mới đây cho biết, trong tổng số 374 đầu tư có sử dụng đất năm 2019 có 88 dự án đã ký hợp đồng (chiếm 23,5%), 196 dự án đang trong giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư (chiếm 52%) và 90 dự án đã công bố danh mục dự án (chiếm 24,5%).
Trong năm 2019, có 254/374 dự án đầu tư có sử dụng đất đã xác định được hình thức lựa chọn nhà đầu tư, các dự án còn lại đang trong giai đoạn sơ tuyển hoặc mới công bố danh mục dự án.
Trong đó, 97 dự án áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi (chiếm 38%) với tổng mức đầu tư 33.631 tỷ đồng, tổng diện tích đất của các dự án 2.398,65 ha; 157 dự án áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư (chiếm 62%) với tổng mức đầu tư 82.704 tỷ đồng, tổng diện tích đất của các dự án 2.725,55 ha. Các dự án đầu tư có sử dụng đất áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư đều thuộc trường hợp có 1 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ tuyển.
Một số địa phương có tỷ lệ áp dụng chỉ định nhà đầu tư cao là Bắc Ninh (7/9 dự án), Cao Bằng (6/6 dự án), Hậu Giang (17/17 dự án), Phú Thọ (6/7 dự án), Quảng Bình (8/8 dự án), Thái Nguyên (15/20 dự án), Hải Dương (23/29 dự án), Hưng Yên (10/10 dự án), Lào Cai (6/7 dự án).
Theo phản ánh từ một số địa phương, trong năm 2019, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn chưa phân định rõ trường hợp giao đất, cho thuê đất theo 1 trong 3 hình thức: đấu giá, đấu thầu, quyết định chủ trương đầu tư. Hiện pháp luật về đất đai chưa có quy định về giao đất, cho thuê đất trong trường hợp đấu thầu, dẫn đến nhiều dự án có sử dụng đất bị đình trệ, không tiến hành tổ chức đấu thầu hoặc đã lựa chọn nhà đầu tư trúng thầu nhưng địa phương lúng túng trong việc giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư.
Các địa phương cũng phản ánh bị gặp khó khăn trong việc xác định trường hợp đấu thầu, đấu giá, việc giao đất, cho thuê đất, xác định giá trị nộp ngân sách nhà nước đối với dự án đầu tư có sử dụng đất. Điều này tạo thành “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế của các địa phương.
Ngoài ra, Nghị định số 30/2015/NĐ-CP chưa quy định cụ thể về cách thức xác định giá sàn nộp ngân sách nhà nước (một trong các tiêu chí xét duyệt nhà đầu tư trúng thầu, nhất là trường hợp chỉ định nhà đầu tư - không có sự cạnh tranh). Từ đó, nhiều địa phương trong năm 2019 đã lúng túng trong đề xuất cách thức thực hiện cũng như không phân định được vai trò, trách nhiệm giữa cơ quan chuyên môn về tài chính đất đai và cơ quan chuyên môn về đầu tư trong xác định giá trị này.
Bộ KH&ĐT cho biết, 1 trong những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế nêu trên đến từ sự thiếu rõ ràng giữa các quy định của pháp luật. Một số ý kiến cho rằng, trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất của dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về đất đai. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, do pháp luật về đất đai hiện hành không quy định về đấu thầu nên thủ tục giao đất, cho thuê đất sau đấu thầu hiện vẫn là khoảng trống pháp lý. Vì vậy, trong hơn 2 năm chờ Nghị định số 25/2020/NĐ-CP được ban hành, nhiều dự án đầu tư có sử dụng đất vẫn vướng mắc và chưa có đầy đủ căn cứ để thực hiện.
Theo Bộ KH&ĐT, việc chỉ định nhà đầu tư các dự án đầu tư có sử dụng đất trong thời gian qua đã làm cho môi trường đầu tư giảm tính cạnh tranh, minh bạch và hấp dẫn để thu hút được các nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân (đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài) khi chỉ có nhà đầu tư trong nước tham gia hoặc trúng thầu. Bên cạnh đó, hiện nay vẫn thiếu các chế tài xử lý vi phạm khi nhiều địa phương cố tình không công bố công khai thông tin dự án hoặc trì hoãn công khai thông tin dự án. Việc kê khai, cung cấp thông tin về dự án cần lựa chọn nhà đầu tư theo quy định chưa được các địa phương thực hiện nghiêm túc. Cụ thể, có 13 đơn vị bộ, ngành đã đăng tải thông tin về dự án PPP và 20 đơn vị đã đăng tải thông tin về dự án đầu tư có sử dụng đất trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia nhưng không cung cấp thông tin báo cáo gửi về Bộ KH&ĐT.