Gấp rút hoàn thiện dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Dự kiến trình Quốc hội theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2023), dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách (CCCS) đặc thù phát triển TP.HCM đang tiếp tục được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gấp rút phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và UBND TP.HCM lấy ý kiến, tổng hợp và hoàn thiện.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM ngày 27/2. Ảnh: VGP.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM ngày 27/2. Ảnh: VGP.

Với vai trò cơ quan Thường trực của Ban Soạn thảo Nghị quyết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp thu ý kiến góp ý của 16 bộ, cơ quan trung ương và hoàn thiện xây dựng dự thảo Nghị quyết lần 3, gồm 48 CCCS, chia thành 4 nhóm. Trong đó, Nhóm 1 gồm 10 CCCS đã được quy định tại Nghị quyết số 54. Nhóm 2 gồm 3 CCCS có nội dung tương tự đã được quy định tại các Nghị quyết đặc thù của các địa phương khác. Nhóm 3 gồm 9 CCCS có trong dự thảo Luật đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi dự kiến trình Quốc hội trong thời gian sắp tới. Nhóm 4 gồm 26 CCCS mới chưa được thí điểm tại các địa phương và quy định tại các Luật hiện hành.

Hiện nay, do tiến độ gấp, thời gian xây dựng dự thảo Nghị quyết còn lại không nhiều, để đảm bảo các hồ sơ, tài liệu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có tờ trình xin ý kiến Thường trực Chính phủ xem xét cho ý kiến chỉ đạo đối với một số nhóm CCCS.

Trong đó, một số CCCS cần tiếp tục thảo luận, cho ý kiến tập trung ở Nhóm 4, gồm 26 CCCS mới chưa được thí điểm tại các địa phương và quy định tại các Luật hiện hành. Về cơ bản các bộ, ngành đều thống nhất sự cần thiết phải xây dựng các CCCS này, tuy nhiên theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, còn một số nội dung có nhiều quan điểm khác nhau, phạm vi tác động lớn cần xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Chính phủ.

Cụ thể, về thuế chuyển nhượng nhà đất thứ 2 trở lên, việc đánh thuế sẽ tạo nguồn thu ngân sách cho Thành phố và kết quả thí điểm là cơ sở xem xét áp dụng trên phạm vi rộng hơn. Tuy nhiên, qua thảo luận của các bộ, ngành, còn một số tồn tại các bất cập sau: (i) Có thể không đảm bảo tính công bằng trong nhiều trường hợp, như người chỉ có một nhà ở, đất ở diện tích lớn hoặc giá trị lớn thì không bị đánh thuế trong khi người có hai nhà ở, đất ở trở lên có diện tích hoặc giá trị nhỏ lại bị đánh thuế; (ii) Chưa phù hợp với điều kiện thực tế vì các giao dịch mua bán bất động sản chủ yếu thực hiện trên hệ thống văn bản giấy tờ và việc áp dụng công nghệ thông tin vẫn còn hạn chế nên nhiều tổ chức, cá nhân sẽ tìm cách lách thuế bằng cách cho người khác đứng tên; (iii) Tác động đến thị trường bất động sản, làm giảm cả cung và cầu thị trường bất động sản trên địa bàn Thành phố; (iv) Có rất ít quốc gia trên thế giới đánh thuế đối với việc sở hữu nhà đất thứ 2 trở lên.

Về CCCS áp dụng hợp đồng BOT đối với đường hiện hữu, Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định chỉ áp dụng BOT đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu. Do đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc Thành phố đề xuất áp dụng hình thức BOT đối với 2 dự án, gồm Dự án Đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu và Dự án Đường trên cao số 5 cần phải được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng tác động đối với người dân chịu sự tác động của dự án, cũng như tính hợp lý trong quá trình lắp đặt các trạm thu phí.

Ảnh Internet

Ảnh Internet

Về áp dụng hợp đồng BT trả bằng ngân sách Thành phố, có nhiều ý kiến còn e ngại việc áp dụng hợp đồng BT trả bằng ngân sách do các yếu tố: (i) chi phí đầu tư có thể cao hơn so với đầu tư công do phải chi trả phần lãi vay và lợi nhuận của nhà đầu tư; (ii) việc lập dự án và lựa chọn nhà đầu tư có thể không công khai, minh bạch, chủ yếu áp dụng chỉ định thầu; (iii) một số dự án không bố trí kịp ngân sách để chi trả nên hiện nay đang tạo gánh nặng trả nợ cho phía Nhà nước. Mặt khác, cơ chế BT trả bằng ngân sách nhà nước chưa gắn với trách nhiệm vận hành của nhà đầu tư, phương thức quản lý dự án chưa chặt chẽ như các dự án đầu tư công nên có thể dẫn đến chất lượng dự án không được bảo đảm.

Đối với đề xuất về việc bổ sung chức năng cho Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) thành Quỹ đầu tư của Thành phố. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, HFIC là công ty TNHH một thành viên hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con do UBND Thành phố làm chủ sở hữu. Để thực hiện được chức năng của Quỹ đầu tư phát triển địa phương thì HFIC phải được bổ sung nguồn lực để tăng vốn điều lệ từ việc tăng nguồn thu cổ phần hóa các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Thành phố và lợi nhuận để lại sau khi trích lập các quỹ và bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để hỗ trợ lãi suất cho các dự án thuộc chương trình kích cầu đầu tư trên địa bàn Thành phố. Để Thành phố tận dụng được hết nguồn lực sẵn có thì việc bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho HFIC là có thể xem xét. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị, Thành phố cần rà soát, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan để đánh giá kỹ sự cần thiết, tính khả thi, hiệu quả kinh tế - xã hội của đề xuất này.

Về một số CCCS mới, chưa được quy định tại dự thảo Nghị quyết nhưng có tác động lớn, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt, cản trở quá trình phát triển kinh tế của Thành phố như: giải quyết tắc nghẽn giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường của Thành phố; chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm; các chính sách về cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị Thường trực Chính phủ xem xét, cho ý kiến để Cơ quan Soạn thảo có căn cứ đưa vào dự thảo Nghị quyết.

Trước đó, căn cứ ý kiến góp ý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban soạn thảo và TP.HCM đã nghiên cứu, tiếp thu bổ sung vào dự thảo Nghị quyết lần 2 một số CCCS lớn mang tính đột phá như: Chính sách phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD); Chính sách về ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược như sản xuất chip, bán dẫn, pin công nghệ mới, vật liệu mới; Chính sách phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; Sử dụng ngân sách Thành phố để thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong một số lĩnh vực ưu tiên, giải quyết các dự án liên vùng, dự án động lực đi qua nhiều địa bàn; Chính sách đầu tư theo phương thức PPP cho lĩnh vực y tế, văn hóa. Riêng chính sách về xây dựng Trung tâm tài chính tại TP.HCM sẽ được xây dựng đề án riêng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo TP.HCM về nội dung Đề án xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM diễn ra vào sáng ngày 27/2, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cảm ơn sự vào cuộc nghiêm túc, khẩn trương, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan trong triển khai các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, xây dựng các cơ chế, chính sách cho Thành phố cũng là vì cả vùng và cả nước, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt", "Thành phố vì cả nước và cả nước vì Thành phố"./.

Chuyên đề