Kiến tạo chính sách, cơ chế đặc thù cho TP. HCM bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - “TP.HCM là một cực tăng trưởng trong vùng kinh tế động lực, được ví như đầu tàu kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua, đầu tàu ấy đang chậm lại, tạo điểm nghẽn cho sự phát triển. Do đó, cần kiến tạo chính sách, cơ chế đặc thù giúp khai thác được hết tiềm năng lợi thế, tạo sự bứt phá mạnh mẽ, ổn định, lâu dài cho Thành phố”.
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Lê Tiên
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Lê Tiên

Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Trưởng ban soạn thảo Nghị quyết tại Hội thảo xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP.HCM diễn ra vào sáng ngày 17/2/2023.

Dự thảo Nghị quyết đưa ra các nhóm cơ chế, chính sách, bao gồm các cơ chế, chính sách đã được quy định tại Nghị quyết số 54/2017/QH; các cơ chế, chính sách có nội dung tương tự đã được quy định tại các nghị quyết đặc thù của các địa phương khác; các chính sách đã có trong dự thảo Luật Đất đai, Luật Nhà ở sửa đổi dự kiến trình Quốc hội trong thời gian tới; các cơ chế, chính sách mới.

Các nhóm cơ chế, chính sách này liên quan lĩnh vực và nội dung về quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; quản lý văn hóa xã hội và trật xã hội; các chính sách ưu đãi khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển bền vững; về tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền, ủy quyền và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM; cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền và tổ chức bộ máy hành chính TP. Thủ Đức.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Trưởng Ban soạn thảo lắng nghe ý kiến của các bộ, ngành. Ảnh: Lê Tiên

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Trưởng Ban soạn thảo lắng nghe ý kiến của các bộ, ngành. Ảnh: Lê Tiên

Đi sâu vào một số nhóm chính sách, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, về nhóm chính sách đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với một số loại dự án chưa có trong quy định như là các khu đất sử dụng vào mục đích công cộng có kèm theo mục đích kinh doanh; các khu đất xây dựng công trình ngầm có mục đích kinh doanh; dự án chỉnh trang phát triển đô thị; dự án nhà ở xã hội; dự án cải tạo chung cư cũ..., đây là những vấn đề tồn tại ở TP.HCM thời gian qua, không có cơ chế thực hiện do bị chi phối bởi các quy định pháp luật chuyên ngành liên quan. Nếu gỡ vướng được các quy định pháp lý, thì sẽ tạo nguồn lực xã hội rất lớn, giúp Thành phố giải quyết được các nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ chỉ đạo trong thời gian vừa qua.

Thứ hai, là nhóm chính sách đầu tư các dự án theo phương thức đối tác công tư như: PPP trong lĩnh vực văn hóa - thể thao; BOT đối với các dự án, công trình nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa các tuyến đường bộ hiện hữu, thực hiện các hình thức hợp đồng BT. TP.HCM cho rằng, đây là những cơ chế nếu như Thành phố được phép thực hiện, thì sẽ thu hút được nguồn lực đầu tư xã hội rất lớn. Do đó, UBND TP.HCM kiến nghị các bộ, ngành trung ương hướng dẫn địa phương hiện thực hóa quy định, cơ sở pháp lý, để các cơ chế, chính sách mang tính khả thi trên thực tế.

Về nhóm cơ chế về tài chính ngân sách, TP.HCM đề xuất cho phép Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) là định chế tài chính thuộc chính quyền địa phương hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; HĐND Thành phố được bố trí nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Thành phố để tăng vốn điều lệ cho HFIC... Thành phố mong muốn phát huy HFIC như một định chế tài chính địa phương, có thể huy động được các nguồn vốn, nguồn lực giúp cho hoạt động đầu tư phát triển.

Liên quan đến quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, Thành phố đề xuất gỡ vướng các nhóm cơ chế chính sách, đơn cử như nhóm cơ chế trao quyền cho Thành phố quyết định cho phép các tổ chức sử dụng đất được thế chấp, cho thuê, chuyển nhượng quyền thuê đất đóng tiền hàng năm; thu hồi, giao đất, tính tiền sử dụng đất đối với các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BT) được ký kết trước ngày Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có hiệu lực (1/1/2021); cơ chế, chính sách phân cấp trong các trường hợp xác định giá đất đề bồi thường, hỗ trợ; cơ chế chính sách khuyến khích các chủ đầu tư dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện hữu có đủ năng lực thực hiện chuyển đổi công nghệ.

“Thành phố có những dự án mà nhà đầu tư hiện hữu đang áp dụng xử lý rác thải bằng phương pháp chôn lấp, tuy nhiên, với mật độ dân số đông cùng tốc độ phát triển đô thị nhanh, khối lượng rác thải thực tế đang tăng lên tới 25 – 30 triệu tấn, nếu thực hiện chôn lấp là khó khả thi. Vậy vấn đề đặt ra là nếu chuyển tiếp nhà đầu tư và phương pháp áp dụng, thì có vi phạm pháp luật đấu thầu, đầu tư nếu chỉ định hay không. Đây là các vấn đề cần quyết nghị”, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi nêu ví dụ.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Lê Tiên

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Lê Tiên

Góp ý cho dự thảo Nghị quyết, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho rằng, cần tập trung vào nhóm cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng của Thành phố. Đối với đề xuất về việc tách dự án đầu tư công để triển khai công tác giải phóng mặt bằng trước một cách độc lập, theo Bộ Giao thông vận tải, cơ chế này thực tế đã được áp dụng thành công tại một số dự án cao tốc Bắc - Nam, hoặc tiêu biểu trước đó là Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, kết quả thực hiện cho thấy rất khả thi. Đặc biệt với các dự án trong trung tâm Thành phố, có quy hoạch xây dựng đã hoàn thiện và tương đối ổn định, do đó hoàn toàn có thể tách dự án giải phóng mặt bằng để triển khai trước.

Đối với chính sách huy động nguồn lực theo hình thức BOT để mở rộng, hiện đại hóa các tuyến đường bộ hiện hữu, Bộ Giao thông vận tải bày tỏ quan điểm tán thành và mong muốn TP.HCM thí điểm hình thức này.

Theo đại diện Bộ Xây dựng, liên quan đến việc khai thác hiệu quả quỹ đất đối với một số khu vực đã có quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị được duyệt nhưng Nhà nước chưa thực hiện thu hồi đất, nên cho phép mở rộng thêm một số trường hợp cấp phép xây dựng có thời hạn, nhằm tránh lãng phí nguồn lực và tài nguyên đất đai...

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đối với vấn đề tách công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư ra khỏi dự án đầu tư công, cơ chế này nên được áp dụng với cả các dự án tư, trong điều kiện đảm bảo tuân thủ quy hoạch, quy trình thủ tục, tránh tình trạng quy hoạch treo. Nếu vận dụng tốt, cơ chế này sẽ thúc đẩy tiến độ, mang lại hiệu quả thực hiện các dự án đầu tư.

Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành gồm Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bày tỏ sự đồng thuận cao về chủ trương cần có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội đối với TP.HCM.

UBND TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cơ quan Thường trực của Ban Soạn thảo) để rà soát, nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình các cấp có thẩm quyền theo quy định./.

Chuyên đề