FPT sẽ tập trung vào các mảng kinh doanh cốt lõi là công nghệ thông tin và viễn thông. Ảnh: Mai Linh |
Ông Đỗ Cao Bảo, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc FPT một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của thị trường Nhật Bản trong chiến lược phát triển của FPT thời gian tới. Tuy nhiên, đối với FPT, việc thâm nhập vào thị trường ASEAN lại đang là một thách thức lớn.
Giảm thành viên hội đồng quản trị
Năm 2015, FPT đạt doanh thu kinh doanh hơn 40 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 2.438 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch đề ra. Khối phân phối, bán lẻ chiếm 63% doanh thu và 25,5% lợi nhuận trước thuế (LNTT) của FPT. Khối công nghệ chiếm 21,5% doanh thu nhưng mang lại tới 32,5% LNTT. Khối viễn thông ấn tượng hơn với mức 36,6% LNTT.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2015, FPT dự kiến chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 20% - trong đó đã tạm ứng 10% trong quý 1 năm ngoái. Phần còn lại dự kiến chi trả nốt trong quý 2 năm nay. Công ty cũng dự kiến sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15% cho các cổ đông.
Năm 2016, với kế hoạch doanh thu tăng trưởng 14,5%, LNST tăng 10,5%, ước đạt 3.151 tỷ đồng, FPT dự kiến chia cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%. Theo kế hoạch năm 2016, khối phân phối và bán lẻ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu doanh thu của FPT (chiếm hơn 62%, tương đương 28.586 tỷ đồng). Dự kiến, khối công nghệ sẽ đóng góp lớn nhất vào LNTT với 1.210 tỷ đồng, tăng 30,5% so với năm 2015.
Trả lời câu hỏi về kế hoạch doanh thu mảng viễn thông 2016 dự kiến tăng 19,4% nhưng lợi nhuận giảm nhẹ, đại diện FPT cho biết, năm 2016, Công ty tiếp tục đầu tư mạnh vào hạ tầng viễn thông các tỉnh, thành trong cả nước nên lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng.
Về việc sửa đổi điều lệ, trong khoản mục quy định số lượng thành viên HĐQT, sửa đổi từ mức 5 - 11 người, thành 5 - 7 người. Có cổ đông cho rằng, không nên giới hạn mức 7 người, là mức “chặt” hơn quy định cũ. Đại diện FPT cho rằng, quy mô tối đa 7 người là phù hợp với quy mô hoạt động của FPT. Hiện tại với 7 thành viên HĐQT, FPT vẫn đang “chạy” tốt và không có nhu cầu thêm người. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, đây là biện pháp phòng thủ của FPT trong tình huống nới room trong thời gian tới.
Bán FPT Retail và FPT Trading, vẫn đang chuẩn bị
Mảng phân phối, bán lẻ luôn đóng góp đáng kể cả về doanh thu, lợi nhuận, thậm chí cả hình ảnh của FPT trên thương trường. Thông tin FPT sẽ thoái bớt vốn khỏi 2 mảng này, chính vì vậy thu hút sự chú ý của nhiều cổ đông. Với chiến lược tập trung vào các mảng kinh doanh cốt lõi là công nghệ thông tin và viễn thông, là các mảng có biên lợi nhuận tương đối cao, FPT sẽ dùng tiền bán cổ phần tại FPT Retail và FPT Trading để tài trợ cho các hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Tại ĐHCĐ, đại diện FPT từ chối đưa ra những con số hay đối tác cụ thể, chỉ cho biết hiện Công ty đang làm việc với Chứng khoán Nomura (Nhật Bản) và Chứng khoán Bản Việt để tư vấn cho thương vụ này. Việc tiết lộ thông tin khi chưa hoàn tất thương vụ sẽ gây bất lợi cho Công ty trong việc thương lượng – lãnh đạo FPT cho biết. Khi hoàn tất thương vụ, ngay lập tức Công ty sẽ công bố thông tin đến cổ đông.
Đấu thầu ở ASEAN không dễ
Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc FPT chưa thực sự mặn mà với thị trường ASEAN, trong khi đã làm rất tốt tại thị trường Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, đại diện FPT cho biết thị trường ASEAN không hề dễ dàng và Công ty đang tiếp cận, chứ không có chuyện lờ đi.
Hiện FPT đã có trụ sở hoạt động tại Singapore. Công ty cũng không ngừng tham gia đấu thầu các dự án tại các nước láng giềng như Philipines, Indonesia, Myanmar… Tại thị trường Philipines, việc đấu thầu hết sức khó khăn với lý do kiện cáo giữa các nhà thầu, tình trạng chung đối với tất cả các nhà thầu tại đất nước này. Hiện FPT đã tham gia đấu thầu tại Philippines, nhưng chưa có gói thầu nào đi đến kết quả do những khó khăn mang tính hệ thống này. Ở Indonesia, tình hình đấu thầu cũng gặp nhiều khó khăn. Với Thái Lan, rào cản ngôn ngữ cũng gây những bất lợi đáng kể. Hiện tại Công ty đang kỳ vọng vào thị trường Myanmar và chú trọng đầu tư vào đất nước này…