(Nguồn: infinitcontact.com) |
Động thái của Facebook và Twitter được đưa ra sau khi hai mạng xã hội này bị chỉ trích vì đã cho phép các thông tin sai lệch lan truyền trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.
Theo Facebook, các chính sách mới của mạng xã hội này sẽ có hiệu lực từ ngày 25/5 đối với các quảng cáo tại Mỹ trên Facebook và Instagram.
Facebook cũng sẽ xác minh rõ danh tính của những người trả tiền cho các quảng cáo chính trị, không chỉ liên quan tới các cuộc vận động tranh cử mà còn cả các vấn đề nóng trên thế giới.
Dự kiến, chính sách "gắn mác" này cũng sẽ được Facebook áp dụng tại các quốc gia khác trong thời gian tới.
Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg nêu rõ mục tiêu của chính sách mới là "nhằm đảm bảo rằng chúng tôi giúp ngăn chặn sự can thiệp và thông tin sai lệch trong các cuộc bầu cử."
Hiện Facebook đã phân loại 20 chủ đề cho các nội dung đăng tải trên mạng xã hội này, trong đó có các chủ đề như nạo phá thai, dân quyền, môi trường, chính sách đối ngoại, súng, vấn đề nhập cư...
Trong khi đó, Twitter cho biết mạng xã hội này sẽ bắt đầu thực thi chính sách mới trong vài tháng tới, theo đó sẽ yêu cầu "gắn nhãn bầu cử" cho các quảng cáo vận động tranh cử của các ứng cử viên Mỹ và yêu cầu có chứng nhận của công chứng viên về việc những người đăng quảng cáo đang sinh sống tại nước Mỹ.
Tuyên bố của Twitter nêu rõ: "Chúng tôi sẽ không cho phép người nước ngoài nhắm mục tiêu quảng cáo chính trị tới những người được xác định đang sống tại Mỹ."
Ngoài ra, các tài khoản Twitter đăng các quảng cáo vận động chính trị cũng sẽ phải tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt khác về xác định nhân thân như phải đính kèm ảnh chân dung, tiểu sử và các thông tin liên lạc hợp lệ./.