Năm 2016, EVN có khoảng 1.800 gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng. Ảnh: Thế Anh |
Ghi nhận từ đơn vị dẫn đầu về áp dụng ĐTQM hiện nay - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy đã có bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác đấu thầu.
Tiết kiệm đến 25% từ đấu thầu qua mạng
Theo Tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An, cho đến nay, EVN vẫn là đơn vị đứng đầu trong toàn quốc về việc hưởng ứng tham gia ĐTQM. Trong năm 2016, với khoảng 1.800 gói thầu đã thực hiện qua mạng trong cả lĩnh vực đầu tư và sản xuất kinh doanh, cao hơn rất nhiều so với 241 gói thầu thực hiện trong năm 2015, EVN đã có bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác đấu thầu.
Theo đánh giá của Lãnh đạo EVN, qua triển khai thực hiện, nhiều đơn vị EVN đã nhận thấy hình thức ĐTQM là một hình thức đấu thầu rất hiệu quả. Năm 2016, trong lĩnh vực đầu tư, các đơn vị EVN đã thực hiện ĐTQM khoảng 800 gói thầu với tổng giá trị trúng thầu khoảng 1.816 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm khoảng 10%. Trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, EVN đã thực hiện ĐTQM tổng cộng gần 1.000 gói thầu với tổng giá trị trúng thầu khoảng 9.143 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm khoảng 25%.
Tự động hóa quy trình đấu thầu giúp giảm chi phí giao dịch
Ông Nguyễn Sơn
Phó Cục trưởng Cục QLĐT thuộc Bộ KH&ĐT:
Lợi ích lớn nhất mà đấu thầu qua mạng mang lại là việc công khai, minh bạch, chính xác thông tin đấu thầu đến mọi người dân trên cả nước, từ đó tạo ra cơ chế giám sát hoạt động đấu thầu của cộng đồng xã hội, góp phần phòng chống tham nhũng, cải cách thủ tục hành chính trong công tác đấu thầu nói riêng và công tác quản lý nhà nước nói chung. Việc tự động hóa các quy trình đấu thầu giúp giảm thiểu chi phí giao dịch cho cả bên mời thầu và nhà thầu…
Theo chia sẻ của EVN, Tập đoàn nhận thấy rằng công nghệ thông tin là một công cụ vô cùng tiện lợi, hữu ích trong việc tăng tính hiệu quả và minh bạch, cạnh tranh trong công tác đấu thầu. Do đó, tiếp theo các thành tựu đạt được trong giai đoạn thí điểm ĐTQM giai đoạn 2009 - 2011 và 2012 - 2015, trong năm qua, bên cạnh các đại diện đã từng tham gia trong giai đoạn thí điểm của Tập đoàn là Tổng công ty Điện lực Hà Nội, Tổng công ty Điện lực TP.HCM, Tổng công ty Truyền tải điện…, hầu hết các đơn vị của EVN đã chủ động, tích cực tham gia ứng dụng ĐTQM như các ban quản lý dự án của EVN, các tổng công ty, các công ty thủy điện, công ty nhiệt điện...
Kiến nghị tiếp tục mẫu hóa HSMT qua mạng
Để nâng cao sự thuận lợi và hiệu quả của công tác ĐTQM, EVN kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và các bộ, ngành liên quan hoàn thiện cơ sở hạ tầng về ĐTQM, tạo điều kiện cho EVN cũng như các đơn vị thành viên trong quá trình triển khai ĐTQM theo TT07, đặc biệt có thể áp dụng ĐTQM cho các gói thầu không phải quy mô nhỏ, các gói thầu gồm nhiều phần (lô). EVN cho rằng, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cần bổ sung các công cụ hỗ trợ làm rõ hồ sơ dự thầu (HSDT) qua mạng, công cụ sửa đổi hồ sơ mời thầu (HSMT), đa dạng hóa các trình duyệt internet có thể sử dụng cho ĐTQM...
Lãnh đạo EVN cũng kiến nghị Bộ KH&ĐT tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn như các mẫu HSMT ĐTQM áp dụng cho đấu thầu xây lắp, phi tư vấn và các gói thầu sử dụng hình thức chào hàng cạnh tranh rút gọn…
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Phạm Thy Hùng, Giám đốc Trung tâm ĐTQM quốc gia trực thuộc Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho biết: Trung tâm đang tiếp tục nâng cấp, chỉnh sửa Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để đáp ứng các quy định của pháp luật về ĐTQM. Trong năm 2017 sẽ trình ban hành một số thông tư nhằm tiếp tục số hóa việc lập HSMT, HSYC cho ĐTQM. Đồng thời, sẽ kiện toàn công tác tổ chức của Trung tâm, từng bước cải thiện Hệ thống và đẩy mạnh công tác đào tạo, thông tin tuyên truyền, tư vấn để giúp các nhà thầu, chủ đầu tư, bên mời thầu hiểu rõ hơn và kịp thời nắm bắt, triển khai ĐTQM một cách thuận lợi nhất.