Nhà đầu tư thường nhắm đến quỹ đất hoàn vốn khi triển khai các dự án BT. Ảnh: Hoài Nam |
Rủi ro thất thoát tài sản nhà nước
Như Báo Đấu thầu đã đề cập, rất nhiều đại gia bất động sản đã và đang bắt đầu cuộc đua mới nhằm giành phần thực hiện dự án BT mà mục đích nhắm đến đằng sau đó là các quỹ đất hoàn vốn. Là một dạng hợp đồng của hình thức đầu tư đối tác công – tư, BT nếu thực hiện đúng cũng là một phương thức hiệu quả thu hút vốn đầu tư tư nhân vào kết cấu hạ tầng, nhất là trong bối cảnh vốn ngân sách hạn hẹp, quỹ đất của địa phương còn dư, có thể khai thác. Tuy nhiên, hình thức này cũng rất dễ bị bóp méo, biến tướng vì lợi ích nhóm, vì những khoản hời vô cùng lớn từ cơ hội sở hữu những mảnh đất đắc địa hoặc những diện tích rộng lớn của địa phương.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực này, hợp đồng BT do nhà đầu tư thực hiện nên họ có thể chủ động lựa chọn nhà thầu, đồng thời quá trình thi công thiếu sự giám sát chặt chẽ từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Vì thế, có thể dẫn đến chất lượng công trình không đảm bảo. Thực tế một số công trình BT đã hoàn thành tại Hà Nội những năm trước, như dự án Cung Tri thức Thành phố, đường trục phía Bắc Hà Đông, Bảo tàng Hà Nội… chỉ đưa vào vận hành không lâu đã xuất hiện nhiều hư hỏng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, mục đích nhà đầu tư nhắm đến khi tham gia dự án BT là dự án hoàn vốn, là những khu đất có giá trị. Nhiều khu đất vàng đáng lẽ phải qua đấu giá, nhưng bằng việc đề xuất dự án BT và đa số sau đó được chỉ định thực hiện, nhà đầu tư đã dễ dàng có được.
Chính vì nhắm đến quỹ đất, trong khi tại các đô thị lớn "tấc đất tấc vàng", nên không ít nhà đầu tư đã dùng nhiều chiêu tinh vi thổi giá công trình BT để có thể đổi lấy nhiều diện tích hơn. Có thể điểm mặt Dự án Xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ qua sông Nhuệ đến Khu đô thị mới Xuân Phương do Công ty CP TASCO là nhà đầu tư có tổng mức đầu tư trên 1.500 tỷ đồng nhưng trong đó bị tính thừa tới gần 438 tỷ đồng, tức là gần 1/3 tổng mức đầu tư. Ở Dự án Đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 - CIENCO 5 là nhà đầu tư, tổng mức đầu tư còn được đội lên tới hơn 1.000 tỷ đồng. Tập đoàn GAMUDA BERHSD (Malaysia) cũng đã tính thừa nhiều hạng mục của Dự án Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở, làm tăng tổng mức đầu tư thêm hơn 67 triệu USD.
Rõ ràng, thất thoát trong các dự án BT nếu xảy ra sẽ vô cùng lớn, bởi hầu hết các dự án có tổng mức đầu tư rất cao. Như cách nói của ông Lê Hoàng Châu, nếu để thất thoát xảy ra có thể là tai họa cho đất nước!
Nhà đầu tư cần sân chơi đấu thầu minh bạch, bình đẳng
Ông Lê Hoàng Châu cũng cho rằng, đấu thầu minh bạch, cạnh tranh thực sự sẽ giúp giảm nguy cơ thất thoát của các dự án BT. “Hai đời Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP. HCM đều nói với tôi là nhà đầu tư Nhật Bản rất muốn tham gia đấu thầu rộng rãi, công khai vào các dự án hạ tầng tại Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài luôn muốn sân chơi đấu thầu minh bạch, bình đẳng thực sự”.
Nghị định 30/NĐ-CP quy định các dự án PPP nói chung, dự án BT nói riêng đa số phải áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế. Các các dự án BT do nhà đầu tư đề xuất sau khi được phê duyệt đề xuất dự án, vẫn phải đưa ra sơ tuyển để các nhà đầu tư khác quan tâm có thể tham gia.
Thế nhưng, theo quan sát của phóng viên Báo Đấu thầu, từ đầu năm 2016 đến nay, có không ít dự án BT do nhà đầu tư đề xuất khi đưa ra sơ tuyển không có nhà đầu tư khác quan tâm, nên dự án đó lại được chỉ định nhà đầu tư. Theo một luật sư có nhiều năm kinh nghiệm tư vấn cho dự án hạ tầng, thường đó là những cuộc thầu mà nhà đầu tư đã được đặt gạch, xí chỗ, và nhà đầu tư khác không muốn nhảy vào một dự án đã có chủ. Họ không dại gì bỏ ra khoản tiền lớn để chuẩn bị hồ sơ dự thầu trong khi còn e ngại về tính cạnh tranh bình đẳng của cuộc thầu.
Quy định pháp luật dù chặt chẽ, nhưng yếu tố đảm bảo hiệu quả trong thực tế lại phụ thuộc rất nhiều vào người thực thi. Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, phải giải quyết vấn đề về cơ chế để đảm bảo đã đấu thầu công khai là phải thực chất. Đối với dự án BT, phải thẩm định dự án chặt chẽ, thẩm định được năng lực nhà đầu tư, trong đó chú trọng năng lực tài chính và năng lực thực hiện dự án đó. Ông Châu đặc biệt nhấn mạnh đến cái tâm của người đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt dự án BT trong các khâu thực hiện dự án. Nếu tham nhũng, nếu không vì đất nước, để nhà đầu tư dẫn dắt thì sẽ dễ dẫn đến thất thoát rất lớn cho tài sản quốc gia.