Quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Dự thảo Luật Đấu giá tài sản có thể dẫn đến cách hiểu không thống nhất về mức chênh lệch của bước giá. Ảnh: NC st |
Chưa rõ về bước giá
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Dự thảo Luật thì “Bước giá là mức chênh lệch tối thiểu của lần trả giá sau so với lần trả giá trước liền kề trong trường hợp đấu giá bằng phương thức trả giá lên”. Như vậy, mức chênh lệch ở đây là như thế nào, nó là một mức chênh lệch cố định hay là một mức chênh lệch cụ thể? Ví dụ: mức chênh lệch cố định là 5 triệu hoặc 10 triệu hoặc 20 triệu, còn mức chênh lệch cụ thể là từ 5 - 10 triệu, 10 - 100 triệu… Phải có cách hiểu cụ thể để thống nhất chung quy định về mức chênh lệch của bước giá. Dự thảo cũng chưa nói rõ đã có mức chênh lệch tối thiểu thì có hạn chế mức chênh lệch tối đa không? Nếu có thì là khoảng bao nhiêu thì phù hợp?
Giả sử bước giá vượt quá tiền đặt trước thì có được coi là phù hợp không? Bởi lẽ, theo quy định hiện hành, nếu bước giá vượt quá tiền đặt trước và tại phiên đấu giá người trúng đấu giá từ chối kết quả trúng đấu giá và giá của người trả liền kề cộng với khoản tiền đặt trước nhỏ hơn giá đã trả của người từ chối kết quả trúng đấu giá thì sẽ dẫn đến cuộc đấu giá không thành.
Hơn nữa, quy định “bước giá do người có tài sản đấu giá thỏa thuận bằng văn bản với tổ chức đấu giá tài sản đối với từng cuộc đấu giá” cũng gây khó khăn cho tổ chức bán đấu giá khi điều hành phiên đấu giá, bởi lẽ, tùy từng thời điểm mở phiên đấu giá và tùy vào diễn biến tại phiên đấu giá mà đấu giá viên điều hành linh động điều chỉnh bước giá cho phù hợp, tạo điều kiện cho cuộc đấu giá được diễn ra suôn sẻ. Nếu như bắt buộc phải có văn bản thỏa thuận bước giá với người có tài sản thì trong những trường hợp phát sinh nêu trên, các bên sẽ không đủ thời gian để thống nhất ý kiến hợp pháp bằng văn bản để điều chỉnh bước giá cho phù hợp ngay tại thời điểm diễn ra cuộc đấu giá.
Bất cập khi người mua yêu cầu giám định tài sản
Theo Khoản 2 Điều 7 Dự thảo Luật, tài sản đấu giá được giám định khi có yêu cầu của người tham gia đấu giá hoặc theo quy định của pháp luật. Đây được xem như là một bước lùi, hạn chế không cần thiết đối với hoạt động bán đấu giá. Việc giám định tài sản trong quá trình tổ chức bán đấu giá có thể được xem như tạo quyền quá lớn cho người tham gia đấu giá, điều này sẽ gây bất lợi cho việc tổ chức bán đấu giá. Bởi lẽ, có thể có một số đối tượng lợi dùng điều khoản này để gây khó khăn cho tổ chức bán đấu giá, yêu cầu giám định tài sản để kéo dài thời gian, làm gián đoạn việc tổ chức bán đấu giá nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phá hoại việc tổ chức bán đấu giá. Việc kéo dài quá lâu quá trình giám định sẽ dẫn tới gây thiệt hại cho người có tài sản và các cá nhân tham gia đăng ký khác.
Chưa kể đến một số loại tài sản không có điều kiện giám định hoặc trong nước chưa có cơ chế giám định được như tranh, ảnh, tài sản công nghệ cao, quyền về tài sản… thì không thể thực hiện giám định, do đó, đề nghị hủy bỏ nội dung quy định về việc giám định tài sản bán đấu giá tại Khoản 2 Điều 7 Dự thảo Luật.
Liên quan đến hành vi nghiêm cấm, theo Điểm d Khoản 2 Điều 8 Dự thảo Luật, nghiêm cấm tổ chức đấu giá tài sản “nhận bất kỳ một khoản tiền, tài sản hoặc lợi ích nào từ người có tài sản đấu giá ngoài thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá theo quy định của pháp luật, chi phí dịch vụ khác liên quan đến tài sản đấu giá theo thỏa thuận”. Thực tế hiện nay, phí đấu giá phụ thuộc vào khung trần của Bộ Tài chính và đang rất thấp, chưa bằng 1% so với phí môi giới bất động sản. Thực tế, để tổ chức thực hiện bán đấu giá, đơn vị bán đấu giá phải thực hiện rất nhiều công việc: niêm yết, đăng báo, soạn thảo hồ sơ, chuẩn bị phiên đấu giá… dẫn đến chi phí rất cao và thậm chí có tài sản bán 3, 4 năm vẫn không có khách mua, do đó nguồn lợi thu về của tổ chức bán đấu giá không thực sự hiệu quả cao.
Để kích thích hoạt động tổ chức bán đấu giá, chúng tôi đề nghị xem xét bổ sung chế độ “thưởng” cho tổ chức bán đấu giá dựa trên kết quả trúng đấu giá, khi đấu giá thành công. Căn cứ trên tỷ lệ vượt, chênh lệch giữa giá khởi điểm và giá trúng đấu giá thì có mức % thưởng hợp lý. Đồng thời, xem xét, hủy bỏ quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 8 và sửa đổi bổ sung theo hướng trên.