Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo thẩm tra. |
Các chỉ số tổng dư nợ công, dư nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn an toàn cho phép, song dư nợ Chính phủ đã vượt trần là 50,3% GDP, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sáng 7/3.
Trước đó, trình bày báo cáo của Chính phủ về kế hoạch tài chính 2016 - 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết chỉ tiêu nợ Chính phủ vượt giới hạn cho phép (50% GDP) chủ yêú một mặt là do GDP thực tế theo giá hiện hành năm 2015 giảm mạnh.
Mặt khác, sức ép về đầu tư từ nguồn vốn vay trong thời gian qua quá lớn.
Ngoài ra, việc điều chỉnh tỷ giá theo hướng giảm giá trị đồng Việt Nam để ứng phó với điều chỉnh chính sách tiền tệ của các nước như Trung Quốc và kích thích xuất khẩu hàng hoá cũng làm tăng giá trị nợ bằng ngoại tệ khi quy đổi sang VND.
Chính phủ cũng lo ngại, nếu duy trì tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước và hạn mức cấp bảo lãnh chính phủ theo phương án hiện hành sẽ dễn đến việc chỉ tiêu nợ công trên GDP vượt trần trong các năm 2016 – 2017.
Trong khi đó, Bộ Tài chính nhận thấy khó có thể thực hiện phương án nâng trần nợ công.
Mục tiêu cụ thể được Chính phủ đặt ra là đến 2020 nợ công không quá 65% GDP, trong đó dư nợ Chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài quốc gia không quá 50% GDP.
Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm cho vay lại và đảo nợ) so với tổng thu ngân sách Nhà nước hàng năm không quá 25%.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đánh giá: có nhiều dấu hiệu khó khăn trong vấn đề nợ công cần được Chính phủ phân tích và làm rõ để có biện pháp tăng cường quản lý.
Nhìn nhận tổng thể về tình hình ngân sách, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, với thực trạng tốc độ tăng chi cao hơn tốc độ tăng thu, dẫn đến bội chi ngân sách nhà nước vẫn ở mức cao, cân đối ngân sách nhà nước ngày càng khó khăn là tất yếu.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, thực tế trong cân đối ngân sách Nhà nước đã phát sinh nhiều khó khăn về huy động vốn, nhất là vốn trái phiếu Chính phủ dài hạn, đòi hỏi Chính phủ phải có chiến lược dài hạn trong việc huy động, quản lý, sử dụng và kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ.
Điều này, theo phân tích của cơ quan thẩm tra là nhằm tạo điều kiện và dư địa thuận lợi, giảm áp lực cạnh tranh về nguồn lực, lãi suất cho doanh nghiệp và các thành phần kinh tế có khả năng tiếp cận với tín dụng, vốn cổ phần để phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn.