Giảm nhanh bội chi để tăng trưởng bền vững

Nếu đặt ra lộ trình 20 năm nữa, kinh tế Việt Nam “cất cánh” thực sự thì năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện mục tiêu này. Nhiều thách thức cho năm 2016 đang được đặt ra. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn chuyên gia kinh tế TS Bùi Trinh xung quanh vấn đề này.
Giảm nhanh bội chi để tăng trưởng bền vững

Theo ông, vấn đề cần lưu ý nhất trong điều hành kinh tế Việt Nam trong năm 2016 là gì?

Trong suốt một giai đoạn dài Việt Nam thực hiện chính sách quản lý cầu, GDP là tổng cầu cuối cùng, việc tăng trưởng GDP thực ra không có ý nghĩa gì nhiều, dù xuất siêu hay nhập siêu hàng hóa dường như không có ảnh hưởng gì đến tăng trưởng. Chẳng hạn năm 2014 xuất siêu hàng hóa khoảng 3 tỷ USD, GDP tăng xấp xỉ 6%; năm 2015 tình hình XNK diễn biến ngược lại (nhập siêu khoảng 3,2 tỷ USD) thì GDP vẫn tăng 6,7%. Như vậy dù XNK thế nào thì người ta cũng co kéo cầu tiêu dùng và cầu đầu tư để đảm bảo tăng trưởng theo kế hoạch.

Cho nên, theo tôi tăng trưởng cao hơn một chút hay thấp hơn một chút dường như không ảnh hưởng gì lắm đến người dân? Điều cần nhìn nhận nhất trong năm 2016 và xa hơn nữa là thắt chặt chi tiêu ngân sách, cái gì cần chi tiêu thì phải xem xét tính hiệu quả của nó một cách thực chất nhất.

Hiện nay, kinh tế Trung Quốc đang suy giảm, thị trường chứng khoán nước này cũng có nhiều vấn đề. Giới nghiên cứu kinh tế trong nước cho rằng Trung Quốc suy yếu có thể ảnh hưởng tiêu cực đến Việt Nam, cụ thể là XK, tỷ giá… Ông đánh giá gì về vấn đề này?

Trước hết cần hiểu vì sao Trung Quốc lại lâm vào tình cảnh này. Đóng góp của tiêu dùng vào GDP của Trung Quốc chiếm 50% trở xuống. Trong khi đó, XK thuần của Trung Quốc đóng góp vào GDP lại ở con số âm. Cho nên để đạt các mục tiêu tăng trưởng GDP, Trung Quốc phải tăng cường đầu tư. Trung Quốc trong khoảng thời gian rất dài đầu tư đóng góp vào GDP xấp xỉ trên 50%. Như thế, không có nước nào chịu nổi trong thời gian dài.

Hiện nay Trung Quốc định hạ tăng trưởng của năm nay và năm tiếp theo, tôi có cảm giác họ đang thay đổi về chiến lược khi nhận ra rằng tăng trưởng GDP là vô nghĩa.

Trước việc Trung Quốc giảm tăng trưởng, giới nghiên cứu kinh tế trong nước cho rằng là lo ngại. Nhưng tôi khẳng định Việt Nam không cần lo về XNK, bởi vì XK nông sản Việt Nam sang Trung Quốc chưa được 2% tổng kim ngạch XK nông sản. Tỷ giá cũng không nên vội điều chỉnh. Nếu chỉ vì 2-3% XK nông sản sang Trung Quốc mà phá giá đồng tiền Việt Nam là không hợp lý. Nền kinh tế tiền tệ phải nhìn vào nền kinh tế thực để điều hành.

Điều cần lo là đề phòng vốn đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc vào Việt Nam. Nếu thu hút FDI vô tội vạ chỉ làm Trung Quốc có lợi. Khi Việt Nam tham gia TPP, cộng đồng kinh tế ASEAN, đầu tư của Trung Quốc vào sẽ càng nhiều nữa. Nếu chấp nhận chỉ làm công, làm thuê thì đó là cơ hội. Còn nhìn nhận về giá trị mang lại cho nền kinh tế, đây có phải là cơ hội hay không cần phải cân nhắc.

Với bộ máy lãnh đạo đất nước trong nhiệm kỳ mới, ông nghĩ rằng điều cần thiết phải làm nhất để kinh tế Việt Nam thoát khỏi cảnh trì trệ, tụt hậu là gì?

Tôi vẫn nói là cần giảm nhanh sự bội chi ngân sách, tăng tính hiệu quả và minh bạch trong chi tiêu và đầu tư công, tiếp đến là tạo sân chơi bằng phẳng giữa DN nội và DN FDI, nâng cấp thị trường để chuẩn bị cho hội nhập và các Hiệp định thương mại và cuối cùng là quyết liệt với tham nhũng vặt ở mọi lĩnh vực.

Hiện nay, công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế vẫn đang được tiếp tục để giúp Việt Nam có được vị trí sáng sủa trên bản đồ kinh tế thế giới. Vậy theo quan điểm của ông, tái cơ cấu thời gian tới cần theo hướng nào?

Điều đầu tiên cần tái cơ cấu là cơ cấu lại tư duy, chẳng hạn khi nói đến tăng trưởng là tăng trưởng cái gì? Hiện nay tăng trưởng GDP dường như là chỉ số duy nhất phản ảnh tăng trưởng kinh tế, nhưng thực tế cho thấy trong nhiều trường hợp càng tăng trưởng GDP thì của cải quốc gia càng mất đi, nợ nần càng tăng lên và thâm hụt thương mại tăng lên trong khi đời sống người dân không được cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, cần có một cái nhìn tổng thể về vấn đề tái cơ cấu từ sự hình thành thu nhập, phân phối và phân phối lại thu nhập.

Liên quan đến sự hình thành thu nhập, cần nhìn nhận lại về mô hình sản xuất, gia tăng hàm lượng tri thức trong sản phẩm, có chính sách thích hợp phát triển sản phẩm hỗ trợ, xác định rõ tiếp tục quản lý tổng cầu hay chuyển sang tinh thần trọng cung, cần hướng tới một chính sách bằng phẳng thậm chí khuyến khích DN tư nhân trong nước. Ngoài ra, cần cơ cấu lại cách phối hợp quản lý giữa các cơ quan quản lý, tránh xa bệnh thành tích.

Xin cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương:

Nếu tăng trưởng 5%/năm thì đến năm 2035 GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng 75% GDP bình quân đầu người của Trung Quốc hiện nay và bằng 83% GDP bình quân đầu người của Thái Lan hiện nay.

Nếu tăng trưởng 7%/năm từ nay đến năm 2035 thì đến năm 2035 GDP bình quân đầu người  của Việt Nam bằng 98% của Malaysia hiện nay và bằng 83% của Trung Quốc hiện nay. Mức tăng trưởng cao 7% là đầy thách thức nếu không tiến hành cải cách hàng loạt các rào cản thể chế với nền kinh tế hiện nay.

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển:

Đến nay, đổi mới đã cạn dần động lực, phát triển KT-XH đã chững lại và đứng trước những khó khăn gay gắt chưa từng có kể từ khi Đổi mới 30 năm trước. Sự  phát triển đất nước đã và đang đứng trước nguy cơ tụt hậu ngày càng xa so với các nước trong khu vực và thế giới. Đặt ra yêu cầu khởi động một cuộc đổi mới lần 2 để tiếp tục đưa đất nước đi lên nhanh và bền vững, ngày càng hiện đại và hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới giai đoạn mới, thế hệ mới. Nói một cách khác, sức ép đổi mới đến cả từ bên trong và bên ngoài, không thực hiện thì không thể giải quyết được những vấn đề to lớn và cấp bách đang đặt ra trong phát triển và hội nhập.

TS Tô Trung Thành, Đại học Kinh tế quốc dân:

Đổi mới mô hình tăng trưởng Việt Nam và tái cơ cấu nền kinh tế phải được tiếp tục thực hiện một cách cấp bách và quyết liệt. Đồng thời cần đổi mới mạnh mẽ tư duy, cải cách thiết kế và vận hành hệ thống thể chế nếu không đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế thành công khó có thể đạt được.

Bên cạnh việc đổi mới tư duy về vai trò của khu vực Nhà nước, cũng cần đổi mới tư duy về khu vực tư nhân. Khu vực kinh tế tư nhân không chỉ được coi là “một trong những động lực phát triển của nền kinh tế” mà cần khẳng định là “động lực cơ bản” nhằm tạo ra được những bứt phá trong phát triển kinh tế phù hợp với xu thế của nền kinh tế thị trường hiện đại trong bối cảnh đẩy nhanh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

L.B (ghi)

Chuyên đề

Kết nối đầu tư