Tác động của thiên tai khiến nông nghiệp quý I/2016 tăng trưởng âm. Ảnh: Nhã Chi |
Nhiều tổ chức quốc tế hạ dự báo tăng trưởng
Nhớ lại hồi cuối năm 2015, WB đưa ra dự báo, mặc dù kinh tế toàn cầu vẫn còn bất ổn, nhưng sự phục hồi của kinh tế Việt Nam là hết sức ấn tượng. Khi đó, WB dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm 2016.
Nguyên nhân WB giảm dự báo tăng trưởng chủ yếu đến từ những tác động của lĩnh vực nông nghiệp, do tác động của thiên tai như hạn hán ở Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long đã gây tăng trưởng âm trong nông nghiệp quý I/2016. Tăng trưởng GDP trong quý đầu tiên năm 2016 của Việt Nam chỉ đạt 5,46% so với mức 6,12% trong quý I/2015. Ngoài ra, WB cho rằng, tăng trưởng giảm bởi tăng trưởng xuất khẩu sẽ sụt giảm mạnh.
So với dự báo của nhiều tổ chức trong và ngoài nước khác, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam của WB có phần kém tích cực hơn. Trước đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục ổn định trong năm 2016, với mức tăng trưởng 6,7%.
Ngân hàng ANZ gần đây cũng cho biết, họ có thể phải hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam thay cho con số dự báo trước đó là 6,9% cho năm 2016 và 6,5% năm 2017. Nguyên nhân là tăng trưởng GDP quý I/2016 của Việt Nam không đạt như kỳ vọng do sản lượng lương thực giảm. Theo ANZ, sản xuất nông nghiệp sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng xấu do hiện tượng El Nino kéo dài.
Trong nước vẫn lạc quan
Bày tỏ quan điểm về việc WB thay đổi dự báo tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm 2016, PGS. TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cho rằng, các tổ chức quốc tế có những điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Việt Nam là “chuyện rất bình thường của dự báo”. Ông Hùng lạc quan cho rằng, các tổ chức quốc tế cách đây 2 - 3 tháng dự báo tăng trưởng 6,7 - 6,8%, nhưng sau đó, khi thấy có những biến động của kinh tế vĩ mô trong quý I/2016 thì lại điều chỉnh, khi kinh tế vĩ mô có những dấu hiệu tốt thì những dự báo này có thể lại tăng.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh thì cho rằng, gạo là mặt hàng chiến lược xuất khẩu của Việt Nam , đóng góp tới 10% GDP của Việt Nam nên việc đánh giá những tác động của biến đổi khí hậu, nguồn nước trong trung và dài hạn là quan trọng. “Những tác động này sẽ buộc chúng ta phải thay đổi cơ bản về quan điểm phát triển nông nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, vốn là vựa lúa, tạo ra sản phẩm xuất khẩu chủ lực”, ông Vũ Đình Ánh nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, trong quý I, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng GDP, đang chịu tác động tiêu cực khi tăng trưởng chỉ đạt 2/3 so với cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, ông Ánh cho rằng, các yếu tố tạo thuận lợi cho phát triển công nghiệp vẫn phải chờ khá nhiều chính sách liên quan tới phát triển, cải thiện môi trường cho doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân.
Song, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, chúng ta còn dư địa để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7%. Tiến trình tái cơ cấu, được thực hiện từ năm 2011, là cơ sở tốt giúp Việt Nam đẩy mạnh tăng trưởng trong năm 2016 gắn với tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng. Ngoài ra, trong năm 2016, với sự hội nhập mạnh mẽ, kinh tế Việt Nam còn rất nhiều cơ hội. Nếu tận dụng tốt những cơ hội từ hội nhập mang lại, chúng ta sẽ giữ được đà tăng trưởng như năm 2015 và có thể còn tốt hơn nữa.