Dự báo đường đi của tỷ giá năm 2016

Trong khi theo các chuyên gia, VND khó có thể giữ được sự ổn định khi nền kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều biến động thì đại diện NHNN lại cho rằng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về chính sách tiền tệ, mặt bằng lãi suất trung và dài hạn năm 2016 có khả năng sẽ giảm nhẹ, tỷ giá 2016 sẽ không biến động quá lớn.
Dự báo đường đi của tỷ giá năm 2016

Dự báo cao nhất: VND có thể mất giá 8%

Trong báo cáo về triển vọng năm 2016 mới đây, CTCK BIDV (BSC) cho rằng, thị trường ngoại hối sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian tới với việc VND có thể mất giá thêm 5%, trường hợp không thuận lợi có thể lên tới 8% trong năm nay.

Theo đánh giá của BSC, cơ chế điều hành tỷ giá mới sẽ phản ánh chân thực nhu cầu thị trường hơn, thay vì đưa ra cam kết biến động tỷ giá từ đầu năm như các năm trước do bám theo diễn biến ngoại hối thế giới, thông qua neo vào một rổ tiền tệ thay vì neo vào USD và bám theo nhu cầu nội địa, thông qua thả nổi một phần tỷ giá bình quân liên ngân hàng.

Việc neo vào một rổ tiền tệ một mặt sẽ giúp cho VND hạn chế được biến động của sự tăng giá USD (nhờ có sự biến động ngược chiều của các loại tiền tệ khác), mặt khác có thể phản ánh sát thực hơn nhu cầu ngoại tệ của Việt Nam (khi mà rổ tiền tệ tập hợp các ngoại tệ Việt Nam giao dịch nhiều nhất).

 NHNN sẽ cân đối 2 yếu tố quốc tế và nội địa nhằm xác định tỷ giá bình quân liên ngân hàng phù hợp nhất cho từng thời điểm.

Theo BSC, áp lực tăng giá từ USD (sau sự kiện FED tăng lãi suất tháng 12/2015) có thể tiếp tục kéo dài trong năm nay (lãi suất USD có thể tăng trên 1% từ mức 0,25% hiện tại vào thời điểm cuối 2016).

Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng đồng nhân dân tệ giảm giá trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đương đầu với nhiều khó khăn trong tăng trưởng.

Cuối cùng, phần còn lại của thế giới ngoài Mỹ vẫn đang loay hoay với bài toán phục hồi kinh tế; do đó, không loại trừ chính sách nới lỏng tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng trên quy mô toàn cầu vẫn sẽ tiếp tục, sẽ khiến cho tiền tệ của đa phần thế giới giảm thêm so với USD. Do đó, VND khó có thể giữ được sự ổn định khi nền kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều biến động.

Trong khi đó, tại Báo cáo chiến lược 2016, các chuyên gia của CTCK Bảo Việt (BVSC) dự báo, tỷ giá USD/VND năm 2016 sẽ tăng 3-4%. Dự báo này được đưa ra trên cơ sở dự báo cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam đạt thặng dư khoảng 5 tỷ USD, Fed sẽ tăng lãi suất thêm 1%, và thị trường tài chính quốc tế không có những biến động lớn và bất ngờ, chẳng hạn đến từ Trung Quốc tiếp tục phá giá CNY.

Báo cáo triển vọng 2016 của CTCK Vietcombank (VCBS) cũng đưa ra dự báo VND sẽ giảm giá khoảng 4-5% so với USD trong năm 2016. Theo đó, nếu xét riêng các yếu tố trong nước, không có yếu tố rõ ràng nào có thể gây áp lực lớn cho tỷ giá trong năm 2016.

Cụ thể, tâm lý đầu cơ ngoại tệ thông qua nhiều biện pháp và can thiệp hợp lý của NHNN được kỳ vọng sẽ bị hạn chế đáng kể. Trong khi đó, vốn FDI giải ngân và kiều hối được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng tích cực. Ngoài ra, thâm hụt thương mại 2016 cũng được kỳ vọng sẽ không quá đột biến và ở mức vừa phải (2 - 3 tỷ USD).

Do đó, áp lực từ phía bên ngoài tiếp tục là yếu tố lớn nhất tạo nên rủi ro tỷ giá trong năm 2016, đặc biệt là đồng USD mạnh lên cùng lộ trình tăng lãi suất của FED và khả năng đồng CNY tiếp tục lao dốc.

Với cách tiếp cận tương đối thận trọng đi cùng lộ trình tăng lãi suất theo hướng chậm và từ từ của FED, các chuyên gia VCBS đánh giá yếu tố đồng USD mạnh lệ theo lộ trình tăng lãi suất của FED có thể đã được thị trường chuẩn bị và phòng ngừa. Trong khi đó, yếu tố đồng CNY lao dốc được nhìn nhận là yếu tố khó lường và đem lại nhiều rủi ro hơn, đặc biệt khi Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và hiện giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm gần 30% tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu trong năm 2015.

Đồng quan điểm như trên, Báo cáo chiến lược 2016 của CTCK Maritime Bank (MSBS) cũng nhìn nhận áp lực tỷ giá từ các yếu tố bên ngoài là rất lớn. Tuy nhiên các yếu tố nội lực như FDI, kiều hối và dự trữ ngoại hối sẽ đủ đáp ứng những biến động bên ngoài mà không gây tổn hại đến nền kinh tế. Theo đó, mức độ biến động có thể bằng hoặc thấp hơn năm 2015.

NHNN mua vào ngoại tệ để bù đắp dự trữ ngoại hối

Theo báo cáo mới đây của CTCK Bản Việt (VCSC) cho biết, căng thẳng trên thị trường ngoại hối gần đây đã giảm bớt. Nguyên nhân là do nguồn cung USD dồi dào nhờ kiều hối tăng mạnh trước dịp Tết Nguyên Đán và giải ngân các khoản đầu tư của nước ngoài đã giúp tỷ giá liên ngân hàng giảm 1,1% trong tháng 1 và tỷ giá tự do lui về thấp hơn mức trần 1%.

Ngày làm việc cuối cùng của năm Ất Mùi (5/2), một tháng sau khi áp cơ chế tỷ giá trung tâm, Sở Giao dịch NHNN đã niêm yết giá USD mua vào là 22.300 VND, giá bán ra ở mức trần 22.517 VND.

Trước khi Sở Giao dịch NHNN đưa ra thông điệp trên, tỷ giá trên cả thị trường chính thức và tự do đều có đà rơi rất mạnh. Mức giảm trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại ghi nhận tới trên 300 VND so với cao điểm cuối 2015.

"Một lần nữa, điều này cho thấy NHNN đang kiên quyết ổn định tỷ giá ngoại hối và quan trọng hơn, là nỗ lực mua lại USD cho dự trữ ngoại hối", VCSC nhận định.

Trong tuần cuối tháng 1 vừa qua, nhà điều hành cũng đã thực hiện mua ròng ngoại tệ từ khối đầu tư nước ngoài. NHNN đang bắt đầu mua vào ngoại tệ để bù đắp dự trữ ngoại hối sau khi phải bán ra can thiệp đáng kể trong nửa cuối năm 2015.

Trước đó, báo cáo của HSBC dẫn dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nguồn dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đã giảm 6,7 tỷ USD trong quý 3/2015, còn 30,3 tỷ USD vào cuối tháng 9 vừa qua. Với dữ liệu và dẫn chiều nguồn từ IMF nói trên, dự trữ ngoại hối của Việt Nam vừa có mức sụt giảm mạnh trong một khoảng thời gian ngắn.

Mới đây, trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, NHNN cho biết với cách thức điều hành mới, tỷ giá linh hoạt hơn sẽ giảm thiểu tác động của các cú sốc bên ngoài, hỗ trợ tốt hơn khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Cùng với các biện pháp điều tiết của NHNN, tỷ giá 2016 sẽ không biến động quá lớn để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo định hướng của Chính phủ.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư