Động lực nào cho tăng trưởng kinh tế 2023?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và xuất khẩu đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn, có thể cản trở đà tăng trưởng cao như năm 2022 của nền kinh tế. Do đó, có ý kiến cho rằng, động lực tăng trưởng cho kinh tế thời gian tới sẽ là đầu tư công, song vẫn cần những giải pháp hỗ trợ hiệu quả từ chính sách tài khóa, tiền tệ và cải thiện môi trường kinh doanh.
Đầu tư công tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng đối với nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên
Đầu tư công tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng đối với nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Tại báo cáo nghiên cứu kinh tế vĩ mô vừa công bố, Ngân hàng HSBC nhận định, sau hơn 2 năm thương mại bùng nổ, giai đoạn “chững lại” đã đến. Các đơn hàng toàn cầu giảm mạnh, ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu châu Á. Việt Nam cũng không ngoại lệ và thuộc diện “đứng mũi chịu sào” xét về mức độ bị tác động.

Tháng 11/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 29,18 tỷ USD, giảm 3,9% so với tháng trước và giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên trong vòng 2 năm, Việt Nam ghi nhận mức sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước khi đo lường tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và đặc biệt, đang suy giảm ở tất cả các lĩnh vực.

Theo HSBC, trong 2 năm vừa qua, các nhà xuất khẩu châu Á đã hưởng lợi nhiều nhờ nhu cầu đối với một số sản phẩm tăng lên. Trong bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều lần xảy ra, nhìn chung, Việt Nam vẫn tỏ ra vượt trội, tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu kể từ khi xảy ra căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài tới 6 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, các dấu hiệu cho thấy, đã đến lúc xuất nhập khẩu của Việt Nam cần chuẩn bị cho đoạn đường không mấy bằng phẳng sắp tới.

Theo TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, từ cuối quý III/2022 đến nay, nền kinh tế đã bắt đầu xuất hiện nhiều khó khăn, đáng chú ý là số lượng hàng xuất khẩu của rất nhiều lĩnh vực giảm một cách đáng kể. Bên cạnh đó, nền kinh tế còn chịu áp lực rất lớn về lãi suất, tỷ giá, lạm phát.

“Thời gian tới, dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều, nên gánh nặng hỗ trợ phục hồi kinh tế sẽ tiếp tục đặt lên vai chính sách tài khóa, trong đó, phần lớn nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là từ chính sách tài khóa. Tuy nhiên, thời gian còn lại để sử dụng nguồn lực này không còn nhiều, đòi hỏi phải thực sự triển khai một cách quyết liệt. Bên cạnh đó, giai đoạn tiêu dùng phục hồi mạnh sau dịch Covid-19 đã chậm lại. Do đó, vai trò của đầu tư công là cực kỳ quan trọng cho triển vọng tăng trưởng thời gian tới, đòi hỏi tiếp tục đẩy mạnh chương trình phục hồi, nếu cần thiết thì phải có sự chỉnh sửa linh hoạt để dòng vốn đầu tư công kích hoạt tăng trưởng chung của nền kinh tế”, ông Thành nói.

Ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, chính sách tài khóa hiện nay của Việt Nam vẫn còn "dư địa" về mặt cân đối thu chi ngân sách và ngân sách từ gói hỗ trợ được Quốc hội thông qua. Trong giai đoạn này, chính sách tài khóa vẫn nên dẫn đầu, đặc biệt là giãn thuế, giảm thuế nhằm giảm gánh nặng cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc rất quan trọng là giải quyết vấn đề thanh khoản, khai thông các kênh dẫn vốn.

Xét trong cân đối giữa lĩnh vực tài khóa và tiền tệ, ông Cường cho rằng, chính sách tài khóa cần hỗ trợ thêm cho chính sách tiền tệ và cần phải thể hiện hơn nữa vai trò chủ đạo trong giai đoạn phục hồi, dù dư địa của chính sách tài khóa cũng đang dần bị thu hẹp.

Bên cạnh các giải pháp về tài khóa và tiền tệ, theo ông Cường, cần chú trọng việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công, hiện lượng vốn này tồn đọng rất lớn, khoảng 700.000 - 800.000 tỷ đồng. Số tiền này nếu được "bơm" ra sẽ hỗ trợ rất mạnh cho phục hồi kinh tế. Nhìn tổng thể, chi tiêu Chính phủ, giải ngân đầu tư công sẽ là động lực, bệ đỡ cho kinh tế Việt Nam năm 2022 - 2023. “Bằng mọi giá phải đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, bởi hiện nay khối lượng dự án đã được hình thành. Và từ giờ đến hết sang năm, đầu tư công vẫn tiếp tục là một động lực tăng trưởng quan trọng đối với nền kinh tế”, ông Cường nhấn mạnh.

Từ góc độ khác, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, năm nay, thu ngân sách nhà nước rất tốt, dư địa tài khóa còn lớn. Do đó, Chính phủ nên tiếp tục triển khai các chính sách đẩy mạnh phục hồi tăng trưởng, nhất là chính sách miễn, giảm thuế, phí, giảm lãi suất 2% để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Đồng thời, cần tích cực cải thiện môi trường kinh doanh để giúp doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội mở rộng và phát triển kinh doanh, bởi doanh nghiệp trong nước vẫn là trụ cột tạo nên tăng trưởng vững bền cho nền kinh tế.

Chuyên đề