Chủ động vượt khó, giữ vững động lực tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), khó khăn, thách thức đang ngày càng gia tăng, nhất là áp lực từ bên ngoài làm bộc lộ rõ nét hơn những vấn đề nội tại, tích tụ lâu năm của nền kinh tế. Bối cảnh này yêu cầu các giải pháp điều hành phải chủ động, quyết liệt, hiệu quả hơn để xử lý ngay, không làm tăng thêm những khó khăn, thách thức hiện thời, hạn chế tác động dây chuyền đến các ngành, lĩnh vực, động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 11 giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 8,4%. Ảnh: Lê Tiên
Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 11 giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 8,4%. Ảnh: Lê Tiên

Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội có dấu hiệu chững lại

Những số liệu được Bộ KH&ĐT báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 cho thấy, dù có nhiều khó khăn, nhưng với việc thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, nền kinh tế tiếp tục phục hồi, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng tăng 3,02%. Các cân đối lớn được bảo đảm, trong đó thu ngân sách nhà nước 11 tháng ước vượt 16,1% dự toán; xuất siêu 10,6 tỷ USD; sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi. Trong 11 tháng, có gần 195.000 doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động, tăng 33,2% cùng kỳ năm 2021, gấp 1,47 lần số doanh nghiệp rút lui. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 11 tháng là gần 4,5 triệu tỷ đồng, tăng 21,5%; vốn FDI thực hiện đạt 19,68 tỷ USD tăng 15,1%, mức cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua...

Kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực. Trong đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo năm 2022 Việt Nam tăng trưởng 7%; Fitch Ratings giữ xếp hạng Việt Nam ở mức triển vọng tích cực BB và dự báo tăng trưởng là 7,4%...

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội, lĩnh vực, thị trường có dấu hiệu chững lại. Trong đó, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại. Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 11 giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 8,4% (khu vực kinh tế trong nước giảm 14,2%). Tình hình cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên xuất hiện trở lại, nhất là ở các ngành, lĩnh vực thâm dụng lao động, xuất khẩu chủ lực, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống người dân.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng chỉ ra, thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng đối mặt với áp lực ngày càng tăng. Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán, nhưng có dấu hiệu chậm lại, bình quân 5 tháng đầu năm thu thuế, phí nội địa đạt khoảng 131 nghìn tỷ đồng, từ tháng 6 đến nay bình quân chỉ đạt khoảng 97 nghìn tỷ đồng. Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản gặp nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền và tiếp cận nguồn vốn. Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, những nút thắt về dòng tiền nêu trên có nguy cơ tác động lan rộng đến các ngành, lĩnh vực sản xuất và tăng trưởng của cả nền kinh tế, cần phải được quan tâm tháo gỡ, xử lý ngay một cách hiệu quả.

Chủ động giải pháp, tháo gỡ khó khăn

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định quan điểm nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thủ tướng nêu rõ, tiếp tục xử lý các vấn đề nổi lên như khắc phục triệt để tình trạng thiếu xăng dầu, thuốc, vật tư y tế, thúc đẩy tiêm chủng…; chăm lo đời sống người dân, không để thiếu hụt hàng hóa và ổn định giá cả trong dịp Tết Nguyên đán...

Đối với những vấn đề của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản thời gian qua, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần thúc đẩy, bảo đảm các thị trường này hoạt động công khai, minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các đối tượng liên quan trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Thủ tướng chỉ đạo điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách vĩ mô khác; tìm điểm cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá, giữa kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng. Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trong điểm, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, tăng thu, tiết kiệm chi các khoản không cần thiết.

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đánh giá chính xác tình hình để có mức tăng trưởng tín dụng phù hợp, hiệu quả; nghiên cứu, rà soát, tính toán kỹ lưỡng việc tăng tín dụng vào đâu, đưa tín dụng vào lĩnh vực, doanh nghiệp nào, tập trung tín dụng vào 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng; sửa đổi nhanh các thông tư liên quan đến nguồn vốn tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về vốn... Đặc biệt, bảo đảm thanh khoản, giữ vững ổn định, an toàn hệ thống tiền tệ, tín dụng, ngân hàng; thúc đẩy chính sách hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại. Bộ Tài chính chủ trì xử lý các vấn đề liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp, khẩn trương rà soát, sửa đổi nghị định quy định về trái phiếu doanh nghiệp, cùng các cơ quan sửa đổi các thông tư liên quan...

Chuyên đề

Kết nối đầu tư