Đơn hàng dồi dào, doanh nghiệp dệt may lạc quan

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều doanh nghiệp dệt may đã công bố kết quả kinh doanh năm 2021 với mức tăng trưởng tích cực, một số doanh nghiệp có nhà máy đặt tại phía Nam - nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 - ghi nhận kết quả kém khả quan hơn. Song hầu hết các doanh nghiệp đều lạc quan về triển vọng kinh doanh năm 2022.
Nhiều doanh nghiệp dệt may đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng cao trong năm 2022. Ảnh: Tiên Giang
Nhiều doanh nghiệp dệt may đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng cao trong năm 2022. Ảnh: Tiên Giang

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, ngành dệt may Việt Nam đã vượt qua khó khăn duy trì đà tăng trưởng tốt trong năm 2021, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019, thời điểm trước đại dịch. Việt Nam hiện đứng trong top 3 các nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới và được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá ở vị trí cao nhất về cơ hội phục hồi 2022.

Về phía Vinatex, doanh thu và thu nhập hợp nhất của Tập đoàn năm 2021 ước đạt 16.436 tỷ đồng, tăng 10,7% so với năm 2020; lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 1.200 tỷ đồng, tăng 102% so với năm trước đó, vượt 70% kế hoạch năm và cao hơn năm 2019 gần 70%. Các mục tiêu đều vượt kế hoạch. Năm 2022, Vinatex phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng chung trên 8%.

Một doanh nghiệp khác có nhà máy đặt tại Thái Nguyên là Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG cũng công bố kết quả kinh doanh tích cực. Trong quý cuối năm 2021, Công ty tiếp tục ghi nhận doanh thu bán hàng tăng 42,8% so với cùng kỳ năm 2020, đạt hơn 1.363 tỷ đồng; biên lợi nhuận gộp cũng được cải thiện tăng từ 14,6% lên 15,6%, giúp lợi nhuận sau thuế tăng 175% lên 63 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2021, Công ty ghi nhận 5.444 tỷ đồng doanh thu và gần 233 tỷ đồng lãi ròng, tăng tương ứng 21,5% và 51,6% so với năm 2020.

Hoạt động ở khu vực phía Nam, Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công chỉ ghi nhận lãi sau thuế 25 tỷ đồng trong quý IV/2021, giảm 67% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế cả năm 2021, Công ty đạt 3.535 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng nhẹ so với so với năm 2020 nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm tới 48% xuống còn 143,7 tỷ đồng.

Công ty cho biết, sau những tháng khó khăn vì dịch bệnh, có nhiều tháng bị lỗ, đến tháng 11/2021, doanh nghiệp lại đối mặt với thách thức chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng, trong khi giá bán theo các đơn hàng đã chốt chưa thể tăng tương ứng khiến lợi nhuận suy giảm. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, Công ty vẫn tìm kiếm và ký kết được nhiều đơn hàng mới cho năm 2022. Đến giữa tháng 12/2021, Công ty đã nhận đơn hàng đến hết quý II/2022 và đang chuẩn bị nhận đơn hàng cho quý III/2022.

Trước triển vọng tích cực hơn trong năm nay, HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 4.183 tỷ đồng, tăng 20% so với thực hiện năm 2021 và lợi nhuận ròng tăng 88% lên 254 tỷ đồng.

Tổng công ty Đức Giang cũng đặt mục tiêu tham vọng cho năm 2022 với tổng doanh thu dự kiến đạt 2.589 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 5% lên 85 triệu USD; tiêu thụ nội địa dự kiến đạt 602 tỷ đồng, tăng 11%; lợi nhuận trước thuế tăng 22% lên 33 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh năm 2021, Đức Giang ghi nhận tổng doanh thu đạt 2.441 tỷ đồng, tăng 17% và lợi nhuận trước thuế đạt 27 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2020.

Đánh giá về triển vọng ngành dệt may năm 2022, Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP sẽ tiếp tục hỗ trợ tích cực cho xuất khẩu dệt may Việt Nam. Bên cạnh đó, thị phần hàng dệt may của Việt Nam tại Mỹ, EU tiếp tục mở rộng. Niềm tin tiêu dùng ngày càng tăng sẽ mang lại cơ hội lớn cho ngành dệt may, nhất là khi độ phủ vắc xin ngừa Covid-19 tại các thị trường chủ lực như Mỹ và EU ngày càng cao. Đặc biệt, Covid-19 làm thay đổi một số xu hướng của ngành, trong đó có xu hướng dịch chuyển nguồn cung ứng dệt may thế giới ra khỏi Trung Quốc, Việt Nam là một trong những điểm đến của các nhà nhập khẩu.

Chuyên đề