Bức tranh đối lập của ngành dệt may quý III/2021

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong khi khu vực phía Nam chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự bùng phát dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp dệt may phải đối mặt với gia tăng chi phí, mất đơn hàng, thua lỗ…, thì các doanh nghiệp dệt may phía Bắc vẫn ghi nhận sự tăng trưởng.
Kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp dệt may phía Nam “lao dốc” trong quý III/2021. Ảnh: Tiên Giang
Kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp dệt may phía Nam “lao dốc” trong quý III/2021. Ảnh: Tiên Giang

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn, đặc biệt là doanh nghiệp phía Nam đã trải qua 3 tháng “kinh hoàng” nhất trong lịch sử phát triển. Sản xuất hoàn toàn đình trệ, đóng cửa ở phía Nam với trên 45.000 lao động (chiếm 30% số lượng lao động toàn Tập đoàn) phải nghỉ việc. Miền Bắc và miền Trung có khả quan hơn nhưng cũng chỉ huy động được 60 - 70% lao động vì các chính sách giãn cách ở từng địa phương. Vỡ hợp đồng, mất khách hàng, thiếu lao động, thua lỗ, cạn kiệt các nguồn lực tài chính là câu chuyện hàng ngày ở các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp lớn, mạnh trong thời gian trước.

Khảo sát kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp dệt may phía Nam cho thấy, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do thiếu đơn hàng, gia tăng chi phí khi thực hiện các biện pháp giãn cách.

Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công cho biết, do tình hình dịch Covid-19 phức tạp trong quý III, Công ty phải thực hiện giãn cách từ ngày 15/7/2021 nên năng suất lao động không đạt kế hoạch. Cùng với chi phí hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ” cao, kết quả, Công ty lỗ ròng gần 3 tỷ đồng trong quý III/2021, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 85 tỷ đồng. Doanh thu thuần bán hàng giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 783 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.707 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2020, lãi ròng đạt 118 tỷ đồng, giảm 41%.

Một doanh nghiệp dệt may khác ở phía Nam cũng ghi nhận khoản lỗ trong quý III/2021 là Công ty CP Garmex Sài Gòn. Doanh thu thuần đạt 204 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ năm trước, trong khi giá vốn hàng bán chiếm tới gần 92% khiến lãi gộp chỉ còn gần 17 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với quý III/2020. Sau khi trừ các khoản chi phí, Garmex Sài Gòn báo lỗ 6,8 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái Công ty cũng lỗ hơn 4,5 tỷ đồng).

Garmex Sài Gòn cho biết, doanh thu sụt giảm mạnh trong quý III là do dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, đơn hàng giảm. Đồng thời, trong thời gian này, TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu áp dụng Chỉ thị 16 nên tình hình sản xuất kinh doanh gặp không ít khó khăn.

Tổng công ty CP May Việt Tiến cũng rơi vào cảnh thua lỗ trong quý III/2021 với mức lỗ ròng gần 32 tỷ đồng.

Không bị lỗ như 3 doanh nghiệp trên, Công ty CP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh ghi nhận lãi ròng quý III/2021 giảm 79%, còn 18 tỷ đồng. Đây là kết quả quý xấu nhất trong hơn 3 năm trở lại đây của Công ty kể từ quý IV/2017. Doanh thu thuần bán hàng giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 629 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, Công ty ghi nhận doanh thu thuần và lãi ròng đồng loạt tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020, đạt gần 2.752 tỷ đồng và 204 tỷ đồng.

Trong khi kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp phía Nam “lao dốc” thì các doanh nghiệp dệt may phía Bắc vẫn ghi nhận sự tăng trưởng. Có thể kể đến Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG ghi nhận lãi ròng 85,2 tỷ đồng (tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái), Tổng công ty May Hưng Yên lãi ròng 30,3 tỷ đồng (tăng 2%); Công ty CP May Sông Hồng lãi 118,8 tỷ đồng (tăng 180%)…

Vinatex cho biết, đến thời điểm hiện nay, dù mở cửa trở lại cho sản xuất nhưng vẫn rất nhiều khó khăn. Đó là, tỷ lệ công nhân quay trở lại làm việc chưa đáp ứng yêu cầu, trang thiết bị máy móc sau vài tháng không vận hành, tìm đơn hàng mới sau khi khách hàng đã tìm nhà sản xuất khác trong 3 - 4 tháng qua. Việc đạt được mục tiêu sản xuất kinh doanh năm 2021 vẫn là thách thức lớn với doanh nghiệp dệt may phía Nam.

Chuyên đề