Dồn đất cho khu công nghiệp

(BĐT) - Theo đề xuất của các địa phương, tổng diện tích đất khu công nghiệp (KCN) vào năm 2020 là 203.000 ha, vượt “hạn điền” đã được Quốc hội cho phép tới 2.940 ha.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Quy hoạch giảm đất KCN

Theo Nghị quyết của Quốc hội, đến năm 2015, diện tích đất KCN, bao gồm cả đất khu chế xuất phải đạt 130.000 ha. Tuy nhiên, kết thúc năm 2015, theo ông Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, diện tích đất KCN mới đạt 103.320 ha.

Mặc dù diện tích đất KCN mới đạt 79,48% so với yêu cầu của Quốc hội, song theo ông Trần Hồng Hà, tổng diện tích đất KCN năm 2015 đã tăng thêm 31.330 ha so với năm 2010. Hiện đã có 212 KCN đi vào hoạt động, sử dụng khoảng 60.000 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 65%, trong đó có 47 KCN đạt tỷ lệ lấp đầy 100%; 30 KCN đạt tỷ lệ lấp đầy 90%; 26 KCN đạt tỷ lệ lấp đầy 80%. “Các KCN còn lại đang trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng kết cấu hạ tầng”, ông Hà cho biết thêm.

Đối với đất KCN, tính đến thời điểm này, ông Hà cho biết, tổng diện tích đất KCN vào năm 2020 theo đề xuất của các địa phương đã vượt “hạn điền” Quốc hội cho phép là 2.940 ha. “Từ kiến nghị, đề xuất của các địa phương, trên cơ sở cân đối lại quỹ đất dành cho các mục đích sử dụng, Chính phủ quyết định, tổng diện tích đất KCN vào năm 2020 là 191.420 ha, giảm 8.590 ha so với mục tiêu đã được Quốc hội phê duyệt”, ông Hà nhấn mạnh.

Một mặt giảm đất KCN, mặt khác, trong Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016 - 2020 (điều chỉnh), Chính phủ còn quy hoạch đất sử dụng đa mục đích, gồm đất dành cho khu kinh tế (KKT), khu công nghệ cao (KCNC) và đất đô thị. Riêng đất KCNC, theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện (dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp tới) đến năm 2020, cả nước có 3 KCNC (Hoà Lạc, TP.HCM và Đà Nẵng) sử dụng tới 3.630 ha. Cũng theo Quy hoạch này, đến năm 2020, cả nước phát triển 42 KKT, trong đó bao gồm 16 KKT ven biển và 26 KKT cửa khẩu, có tổng diện tích 1.582.960 ha, trong đó sử dụng 1.237.780 ha đất. 

Quy hoạch không quá cứng nhắc

Cho ý kiến vào bản Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016 - 2020 (điều chỉnh), ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, đất đai là tài sản tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nếu quy hoạch thiếu chính xác thì nguồn tài nguyên này khai thác kém hiệu quả, không chỉ tác động đến kinh tế, mà tác động đến xã hội, an ninh xã hội và đặc biệt là môi trường sinh thái. “Ví dụ như quyết định dành đất cho thuỷ điện càng nhiều thì giá điện càng rẻ, càng thu hút được nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực sản xuất điện, qua đó, giảm được giá điện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân; giảm được đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế; tăng thu hút đầu tư nước ngoài..., nhưng không thể vì mục đích kinh tế mà ảnh hưởng tới môi trường sinh thái, gây tác hại tới môi trường”, ông Giàu lưu ý.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, ông Hà Văn Hiền cho rằng, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất là cần thiết, như việc tiếp tục giảm diện tích đất trồng lúa không hiệu quả để dành đất cho phi nông nghiệp, trong đó có đất dành cho KCN, KKT, khu chế xuất, đất đô thị, KCNC để tăng hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên quý giá này.

Phó Trưởng đoàn Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá, ông Lê Nam cũng đồng tình với việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất khi cho rằng, do biến đổi khí hậu nên nhiều vùng đất đai có thể trồng lúa nhưng không hiệu quả, năng suất đã giảm mạnh vì thế nên chuyển đổi sang trồng các loại cây khác, nếu trồng các loại cây khác cũng không có hiệu quả thì cũng nên chuyển mục đích sử dụng, kể cả cho nhà đầu tư xây dựng sân golf. “Quy hoạch sử dụng đất không nên quá cứng nhắc. Quy hoạch sử dụng đất làm thế nào phải phù hợp với sự biến đổi khí hậu. Quy hoạch phải tương đối chính xác, phải phù hợp và đặc biệt là tránh tình trạng quy hoạch một đường, sử dụng một nẻo gây bức xúc cho người dân”, ông Nam nhấn mạnh.

Cho ý kiến vào quy hoạch sử dụng đất, ông Hà Văn Hiền cho rằng, nguyên nhân quy hoạch đất dành cho KKT vượt quy hoạch là do các địa phương hoặc các ngành thiết kế KKT làm quy hoạch chưa tốt, phần lớn KKT được thiết kế diện tích sử dụng đất rất lớn, vì thế, sau nhiều năm, diện tích đất đã quy hoạch... chưa biết làm gì. “Ví dụ như KKT Chu Lai - một trong những KKT rất thành công, rất hiệu quả - được thiết kế diện tích đất vượt công suất rất nhiều nên diện tích đất quy hoạch treo rất lớn, không chỉ lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai mà còn khiến cuộc sống, sinh hoạt của dân cư xung quanh KKT này rất khó khăn vì không còn phương tiện sản xuất”, ông Hiền dẫn chứng.

“Hiện tại diện tích khai thác KKT cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) không đáng kể so với tổng diện tích được quy hoạch lên tới 39.400 ha. Tôi không phản đối phát triển KKT, KCN, nhưng phải cân nhắc lại diện tích đất dành cho từng KKT, KCN hợp lý vì mở rộng diện tích KKT hay KCN rất phức tạp, ảnh hưởng đến tái định cư, đền bù, giải phóng mặt bằng, đất sản xuất cho người dân bị thu hồi đất. Nếu quy hoạch mà chưa có kế hoạch sử dụng, quy hoạch treo không chỉ vô cùng lãng phí nguồn tài nguyên đất đai mà còn gây nhiều hệ luỵ tới đời sống, sinh hoạt của của người dân bị thu hồi đất”, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ông Nguyễn Lâm Thành bày tỏ ý kiến đồng tình với quan điểm chống quy hoạch treo.

Chuyên đề