Quỹ Phát triển DNNVV chính thức khởi động các chương trình hỗ trợ tài chính năm 2016. Ảnh: Trần Tuyết |
Khó tiếp cận nguồn vốn “ưu đãi”
Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện cả nước có khoảng 500.000 DN, trong đó 97% là nhóm DN nhỏ và vừa (DNNVV). Trong số này lại có đến 85 - 90% là những DN nhỏ và siêu nhỏ. Theo bà Đào Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV TP. Hải Phòng, với số lượng DN lớn như vậy, nhu cầu đầu tư, khởi nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau là rất lớn. Điều này cũng cho thấy nhu cầu vốn rất lớn của khối DNNVV.
Bên cạnh các chương trình hỗ trợ của Chính phủ, các quỹ đầu tư phát triển trong nước, các tổ chức tài chính quốc tế, chương trình kết nối ngân hàng - DN cũng được một số địa phương ráo riết triển khai…
Theo Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ngân hàng này đang được ủy thác nhiều chương trình hỗ trợ DNNVV như: Quỹ SMEFP với nguồn vốn tài trợ của JICA, dư nợ tính đến ngày 20/6/2016 là 570,3 tỷ đồng; Quỹ VIIP với nguồn vốn tài trợ của WB, phần vốn cấp phát lên tới 30% tổng vốn đầu tư dự án; Chương trình cho vay lãi suất ưu đãi hỗ trợ vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của DNNVV theo Nghị định 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009… Dư nợ cho vay DNNVV tại Vietcombank ngày 30/6/2016 tăng 16,22% so với cuối năm 2015, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân của chính nhà băng này (10,76%) và cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành (6,82%).
Tuy nhiên, thực tiễn được TS. Võ Trí Thành chỉ ra rằng, chỉ có khoảng 30% DNNVV tiếp cận được vốn ngân hàng, 70% còn lại vô cùng khó khăn trong tiếp cận vốn, lúc vay được, lúc không nên dẫn đến việc khó lên kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh của DN. Còn bà Đào Thị Kim Ngân thì cho biết: “Tuy có nhiều chương trình như vậy, nhưng trong thực tế các DN không dễ tiếp cận được các nguồn vốn này, nhất là vốn có lãi suất ưu đãi”. Một trong những lý do chính là DN thiếu tài sản bảo đảm. Trong nhiều năm trở lại đây, bài toán cho vay tín chấp được đặt ra rất nhiều lần, nhưng thực tế các ngân hàng vẫn không dám “thả gà ra đuổi” bởi tín nhiệm của các DN lẫn chủ công ty chưa thể khiến nhà băng yên tâm.
Quỹ Phát triển DNNVV có là cứu cánh?
Cụ thể, Chương trình hỗ trợ DNNVV đổi mới sáng tạo có hạn mức 100 tỷ đồng, DN tham gia chương trình được vay tối đa 10 tỷ đồng, thời gian ân hạn trả gốc 24 tháng.
Chương trình hỗ trợ DNNVV tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến và bảo quản nông - lâm - thủy sản có hạn mức 210 tỷ đồng, thời gian ân hạn trả gốc tối đa 18 tháng, mức vay tối đa 20 tỷ đồng/DN có dự án/phương án sản xuất, kinh doanh.
Chương trình cũng hỗ trợ DNNVV sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành điện tử và cơ khí với hạn mức 150 tỷ đồng, thời gian ân hạn trả gốc tối đa là 18 tháng, mức cho vay tối đa là 25 tỷ đồng/DN. Chương trình hỗ trợ DNNVV trong ngành hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải có hạn mức 100 tỷ đồng, thời gian ân hạn trả gốc tối đa là 24 tháng, mức cho vay tối đa là 25 tỷ đồng/DN.
Bà Đào Thị Kim Ngân cho rằng, do vốn pháp định ban đầu của Quỹ chỉ là 2.000 tỷ đồng nên việc lựa chọn 4 đối tượng DN để xây dựng chương trình cho vay vốn ưu đãi hỗ trợ thời gian đầu như trên là hợp lý. Tuy nhiên, bà Ngân bày tỏ quan điểm, vai trò của Quỹ Phát triển DNNVV cần phải được đề cập và thể hiện rõ trong dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV. Theo đó, vai trò của Quỹ Phát triển DNNVV là cơ quan đầu mối thực hiện hỗ trợ tài chính cho DNNVV và là một bộ phận trong hệ thống hỗ trợ DNNVV của Chính phủ.
Bên cạnh đó, theo bà Ngân, các ngân hàng nhận được ủy thác cho vay vốn cần phải đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, nâng cao năng lực thẩm định của cán bộ ngân hàng, giảm bớt thời gian, thủ tục, tạo điều kiện cho DNNVV dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng.