DN FDI giải bài toán nhân lực như thế nào?

(BĐT) - Trong khi vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đang là bài toán khó đối với nhiều cơ quan chức năng, thì rõ ràng, muốn đầu tư, phát triển kinh doanh thành công tại Việt Nam, các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang phải tự mình giải bài toán đó.
Thông qua các DN FDI, một đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật có trình độ cao từng bước được hình thành. Ảnh: Đăng Khoa
Thông qua các DN FDI, một đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật có trình độ cao từng bước được hình thành. Ảnh: Đăng Khoa

Đào tạo lao động với tầm nhìn dài hạn

Ông Emanuele Giommi, Tổng giám đốc Ariston Thermo Việt Nam cho biết: “Người Việt rất chăm chỉ. Và họ học hỏi rất nhanh. Đối với các nhân sự có tiềm năng mà DN mong muốn giữ chân, chúng tôi đưa họ tới trụ sở chính ở nước ngoài để đào tạo, tập huấn”.

Đó là cách mà Ariston Thermo Việt Nam - một DN Italia đầu tư ở Việt Nam 30 năm qua - lựa chọn trong việc xây dựng và phát triển chất lượng nguồn nhân sự người Việt. Ông Emanuele Giommi chia sẻ quan điểm: “Tôi cho rằng các DN nước ngoài đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam cần có chiến lược phát triển đội ngũ nhân sự, đặc biệt là nhân sự người Việt Nam của mình. Hãy tạo cho họ cơ hội được trải nghiệm cách làm việc tại công ty mẹ và cảm nhận được họ là một phần của DN. Họ sẽ có sự tiến bộ và mong muốn cống hiến lâu dài”. Chính sách này của Ariston không giới hạn ở các đối tượng nhân sự cao cấp hay quản lý. Họ sẵn sàng đưa công nhân, hay nhân viên bán hàng người Việt ra nước ngoài học nghiệp vụ ngắn hạn, chỉ với một cam kết: làm việc lâu dài tại Công ty.

“Sau quá trình tập huấn, các chủ DN sẽ bất ngờ về sự tiến bộ của người lao động Việt Nam. Bởi hơn ai hết, họ là những người hiểu rõ văn hóa Việt Nam, đồng thời đã có sự tiếp cận với phương thức quản lý hiện đại. Những cống hiến trong công việc của họ đã góp phần mang lại thành công lớn cho công ty”, ông Emanuele Giommi khẳng định.

Trên thực tế, phần lớn những lao động đã có quá trình và thâm niên làm việc tại các DN FDI đều cảm ơn môi trường làm việc ở đó đã đào tạo nên họ của ngày hôm nay. Ông Khương Ngọc Khải - Giám đốc Nhà máy Sản xuất trứng gà sạch ĐTK Phú Thọ, người có hơn 10 năm làm việc cho các DN Nhật Bản đánh giá: “Họ (những DN Nhật Bản) đã xây dựng kế hoạch tuyển dụng và đào tạo người lao động với tầm nhìn rất dài hạn. Họ không tư duy chỉ đào tạo ra những người làm được việc cho mình trong một thời gian ngắn. Họ đã luôn cố gắng đào tạo người lao động Việt Nam để làm việc lâu dài, và cống hiến hết sức cho sự phát triển 10, 20 năm và thậm chí là trọn đời ở công ty”. 

“Sức mạnh của những ước mơ”

Honda Việt Nam đang sử dụng hơn 10.000 lao động trong các nhà máy. Họ đã phải xây dựng một kế hoạch tuyển dụng, đào tạo và phát triển nhân sự từ 20 năm qua.

Với khẩu hiệu “Sức mạnh của những ước mơ”, Honda Việt Nam đã thực sự mang đến những triết lý làm việc mới mẻ cho từng người lao động ngay trong quá trình tuyển dụng.

“Điều khiến tôi ấn tượng nhất là một lãnh đạo người Nhật ngay trong buổi tuyển dụng đã hỏi tôi rằng: Bạn có ước mơ gì không? Lúc đó, tôi không kịp suy nghĩ gì cả mà nói luôn: Đương nhiên là cháu có ước mơ. Ước mơ đầu tiên và duy nhất tại thời điểm đó là được đi làm ở Honda”, chị Nguyễn Thu Hà - Phó phòng Hành chính, phụ trách nhân sự Honda Việt Nam chia sẻ.

“Ông ấy đã hỏi tôi: Bạn có dám chấp nhận thử thách không? Ông ấy chỉ vào bức ảnh về một nhà máy xung quanh là cánh đồng lúa khá hoang vu và bảo, mai sau Honda sẽ xây dựng nhà máy ở Vĩnh Phúc, tất cả sẽ chuyển hết sang tỉnh này làm việc. Liệu tôi có chấp nhận đi làm cách xa nhà mình như thế không”, chị Hà nhớ lại. Vị lãnh đạo người Nhật đó còn chia sẻ với ứng viên của mình rằng: Ông cũng từ Nhật sang, chấp nhận xa gia đình để làm việc ở Việt Nam với một giấc mơ phát triển thị trường.  “Thách thức đó họ còn làm được, vậy tôi ở Hà Nội sáng đi chiều về thì đương nhiên là cũng được” - một nữ sinh Trường Đại học Ngoại thương vừa mới tốt nghiệp như chị Hà đã bắt đầu cảm thấy mình trưởng thành từ buổi phỏng vấn với Honda Việt Nam.

Những giải pháp truyền cảm hứng, xây dựng ước mơ, kiên trì vượt qua khó khăn là cách mà DN FDI đến từ nước Nhật khuyến khích người lao động của mình vươn lên. Giải pháp này được thực hiện đồng bộ và thống nhất từ ông Tổng giám đốc khi nhìn thấy tất cả mọi người đều cúi đầu chào, dù đó là một công nhân bình thường, cho đến ông trưởng phòng người Nhật cứ nhìn thấy rác là cúi xuống nhặt. Cả thế giới đều khâm phục bản lĩnh, văn hóa của người Nhật. Và đương nhiên, người lao động Việt Nam cũng đã tiếp thu được những giá trị tốt đẹp đó.

Ông Colin Blackwell, Trưởng nhóm Nguồn nhân lực thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), nhận xét: “Khu vực FDI đã góp phần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực tại Việt Nam. Thông qua sự tham gia trực tiếp vào hoạt động của các DN FDI, trải qua quá trình đào tạo, tập huấn theo yêu cầu của DN, một đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật có trình độ cao từng bước được hình thành trên thị trường lao động hiện nay”.

Việt Nam đang muốn tạo bước chuyển lớn và thu hút những DN FDI có trình độ cao tới đầu tư. Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện có đến 39,86% DN FDI thiếu hụt lao động và gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng. Lý do là không có lao động đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, kỹ thuật mà các DN FDI yêu cầu. Thực tế trên cho thấy, rõ ràng thị trường lao động của Việt Nam cũng cần có những đối tác, những tổ chức đào tạo phải làm cho được công việc: cung cấp ra thị trường nguồn lao động đạt tiêu chuẩn của các DN FDI. Bởi trước khi DN FDI thực hiện nâng cao chất lượng nguồn lao động của mình, thì điều kiện tiên quyết là họ phải có đủ người lao động.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư