Đề xuất lập Trung tâm logistics Việt Nam ở châu Âu, châu Mỹ

(BĐT) - Với chiến lược gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đang từng bước tổ chức hiệu quả những “cầu nối thương mại” với các châu lục, trong đó vận tải là công cụ kết nối và các trung tâm logistics ở hai đầu là những “trụ cầu” vững chắc.
Phát triển các trung tâm logistics sẽ góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh. Ảnh: Lê Tiên
Phát triển các trung tâm logistics sẽ góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh. Ảnh: Lê Tiên

Việc thành lập Trung tâm logistics Việt Nam ở châu Âu, châu Mỹ sẽ là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam khai thác cơ hội kinh doanh từ các thị trường này.

Chi phí logistics cao

Tại Hội thảo Xây dựng năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi cung ứng và logistics khu vực châu Âu, châu Mỹ diễn ra ngày 20/12, tại Hà Nội, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ thuộc Bộ Công Thương cho rằng, việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp Việt còn ở mức sơ khai. Đa số doanh nghiệp Việt Nam thường là người gia công và cung cấp các sản phẩm phụ, thậm chí không phải trực tiếp mà gián tiếp cho những nhà sản xuất của các thương hiệu toàn cầu, điển hình nhất là trong lĩnh vực thời trang, may mặc, giày dép, đồ gỗ và hàng gia dụng…

Trong khi đó, thị trường châu Âu và châu Mỹ đang mở ra rất nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ông Linh nhìn nhận, Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược trong khu vực, bờ biển dài hơn 3 nghìn km là những lợi thế rất lớn cho việc phát triển các trung tâm logistics mang tầm quốc tế. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp logistics nội địa đang hoạt động có quy mô nhỏ nên năng lực tài chính, trình độ quản lý hạn chế. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam thường tìm kiếm các gói dịch vụ logistics tích hợp không đơn thuần là vận chuyển hàng hóa mà còn đi kèm với nhiều dịch vụ giá trị gia tăng khác, góp phần khiến chi phí logistics tăng cao.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đồng tình: “Chi phí logistics của Việt Nam thuộc hàng cao trên thế giới, khoảng 16 - 17% GDP, là một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam là nước có xuất siêu nhưng giá trị gia tăng chưa cao”. Đồng ý với các nhận xét về chi phí logistics cao, nhưng ông Lê Minh, Tổng giám đốc Công ty CP Kho vận Việt Nam lại có cái nhìn khác: “Thực ra chi phí logistics ở Việt Nam cao là vì chúng ta phải thu cho cả nhà thầu nước ngoài khi nhận thầu lại từ các công ty nước ngoài có mối quan hệ, có vốn, cùng với đó là những khoản chi phí không chính thức…”. 

Thị trường tiềm năng

Về cơ hội tại hai thị trường châu Âu, châu Mỹ, ông Võ Trí Thành đánh giá, đây là hai thị trường thương mại tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là khi Việt Nam đã và sẽ tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các thị trường này. “Thị trường châu Mỹ đầy tiềm năng với hơn 500 triệu dân, thu nhập bình quân cao gấp đôi ASEAN nhưng doanh nghiệp Việt Nam lại khai thác chưa tốt do vướng 2 nguyên nhân chính là: vấn đề văn hóa, ngôn ngữ; khoảng cách địa lý. Song kinh nghiệm của các doanh nghiệp Việt Nam đã kinh doanh tại các thị trường này cho thấy, khoảng cách địa lý không phải là vấn đề lớn”, ông Thành cho biết.

Bởi vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều ý kiến tại Hội thảo đề xuất, Chính phủ cần thực hiện đồng thời nhiều giải pháp quản lý mang tính vĩ mô, trong đó có việc phát triển các trung tâm logistics Việt Nam ở châu Âu, châu Mỹ.

Tán thành đề xuất trên, các ý kiến chỉ ra, hiện nay hoạt động sản xuất cũng như xuất nhập khẩu của Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ, với tốc độ tăng GDP năm 2018 khoảng 7% - tốc độ tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Điều này cho thấy khối lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường là rất lớn, khẳng định vai trò quan trọng của logistics, và gắn liền với đó là chi phí. Do vậy, khi phát triển được các trung tâm logistics sẽ góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, tạo thêm lợi thế trong xây dựng chuỗi cung ứng nhằm giảm thêm chi phí, tạo giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp.

Chuyên đề