Tăng trưởng kinh tế quý III dự báo sẽ trở lại với xu hướng đi lên, đạt mức 6,14%. Ảnh: Lê Tiên |
Kịch bản tăng trưởng sáng sủa
Trên cơ sở phân tích các đánh giá của các tổ chức quốc tế về triển vọng kinh tế thế giới, cũng như khả năng sử dụng một số công cụ chính sách kinh tế trong nước, CIEM đã xây dựng kịch bản dự báo kinh tế quý III với triển vọng khá sáng sủa so với 6 tháng đầu năm. Theo kịch bản này, tăng trưởng kinh tế quý III có thể đạt mức 6,14%, cho thấy kinh tế đang trên đà hồi phục và tiếp tục trở lại với xu hướng đi lên. Mặc dù vậy, cũng theo dự báo của CIEM, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu quý III so với cùng kỳ năm 2015 vẫn duy trì ở mức khá thấp so với mục tiêu 10% đã đặt ra, chỉ đạt mức 6,8%. Cán cân thương mại tiếp tục trong trạng thái thâm hụt do xuất khẩu tăng trưởng thấp với thâm hụt dự báo vẫn ở mức 0,4 tỷ USD. Trong khi đó, lạm phát tiếp tục tăng tương đối cao với dự báo mức tăng CPI trong quý III so với quý II xấp xỉ là 1,31%.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, kịch bản tăng trưởng nêu trên được dự báo trong điều kiện các chỉ số chính như tỷ giá VND/USD tăng 1%; tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 3%; tín dụng tăng 4%; giá nhập khẩu giảm 1%. Bên cạnh đó, lượng dầu thô xuất khẩu quý III được giả thiết không đổi so với trung bình các quý I và II. Trên cán cân thanh toán, chuyển giao của Chính phủ và tư nhân quý III tăng khoảng 10% so với quý II; vốn thực hiện của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 15% so với quý II.
Cũng theo ông Cung, chỉ số dẫn báo áp lực tỷ giá do CIEM xây dựng trên cơ sở tính toán hàng tháng, dựa trên các chỉ số thành phần là lạm phát, lãi suất và thâm hụt thương mại không có biến động mạnh, đạt trên 3% tại thời điểm gần nhất. Theo đó, tỷ giá của hệ thống ngân hàng thương mại được dự báo nhiều khả năng sẽ ổn định trong 6 tháng cuối năm 2016 với xác suất chính xác là 94,73%.
Kiểm soát chặt diễn biến tỷ giá
Liên quan đến vấn đề này, một rủi ro mà CIEM đặc biệt cảnh báo cần phải lường trước là tỷ giá của nhiều đồng tiền rất có khả năng sẽ được điều chỉnh giảm hoặc mất giá so với USD. Do đó cần theo dõi chặt chẽ những biến động về tỷ giá và diễn biến của thị trường ngoại hối để đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, tránh những tác động tới ổn định kinh tế vĩ mô.
Cũng theo nhận định của CIEM, một nhân tố nữa có thể ảnh hưởng tới diễn biến tỷ giá là FED có thể ra quyết định điều chỉnh lãi suất USD, và khả năng hạ lãi suất trở lại không còn bị loại trừ.
Bên cạnh đó, CIEM cũng cho rằng, chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy các hiệp định thương mại tự do lớn mà Việt Nam tham gia sẽ được phê chuẩn trong quý III. Theo đó, những điều chỉnh về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để chuẩn bị cho việc thực thi bị chậm lại, lùi xuống quý IV. Điều này dự báo có thể tác động tới vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh.
Đồng quan điểm với nhận định của CIEM, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, trong quý III và 6 tháng cuối năm, tình hình kinh tế thế giới diễn biến rất bất lợi, khó lường. “Tác động gián tiếp từ biến động trên thị trường tài chính do mất giá đồng Bảng Anh, EURO hay NDT chuyển dịch vị trí làm cho tình hình hết sức bất định. Cần có sự theo dõi chặt chẽ vì liên quan trực tiếp tới xuất nhập khẩu và đầu tư của Việt Nam” - ông Doanh khuyến nghị.
Ông Doanh cũng nhận định, đồng Yên Nhật dự báo sẽ còn tiếp tục tăng giá mạnh. Vì vậy, các khoản vay ODA bằng đồng Yên cần phải tính toán kỹ lưỡng sẽ phải trả theo tỷ giá thế nào để không ảnh hưởng tới nợ công, tăng ngân sách trả nợ.