Đề nghị xây cầu Đại Ngãi nối Trà Vinh-Sóc Trăng dùng vốn vay ODA

Bộ Giao thông Vận tải vừa có đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi phương thức đầu tư dự án xây dựng cầu Đại Ngãi sang sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản.
Cầu Đại Ngãi bắc qua sông Hậu nối hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh. (Ảnh: Google Map)
Cầu Đại Ngãi bắc qua sông Hậu nối hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh. (Ảnh: Google Map)

Dự án xây dựng cầu Đại Ngãi có chiều dài tuyến khoảng 15,2km bao gồm: 7 cầu (2 cầu chính là cầu Đại Ngãi 1 và 2; 5 cầu trung và nhỏ) và đường dẫn vào cầu, trong đó cầu Đại Ngãi 1 dài 2.240m dạng cầu dây văng vượt qua luồng Định An với tĩnh không thông thuyền 45m, chiều rộng thông thuyền tối thiếu 300m. Cầu Đại Ngãi 2 dài 860m dạng cầu đúc hẫng cân bằng vượt qua luồng Trần Đề.

Mặt cắt ngang các cầu Đại Ngãi 1 và 2 với quy mô 4 làn xe, mặt cầu rộng 16m; đường dẫn hai đầu cầu và các cầu trên tuyến, trong giai đoạn trước mắt đầu tư nền rộng 9m, mặt rộng 7m; tương lai sẽ mở rộng theo nhu cầu từng giai đoạn. Tổng mức đầu tư giai đoạn trước mắt của dự án khoảng 5.726 tỷ đồng.

Theo đánh giá, dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 nối tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng là vị trí vượt sông còn lại của tuyến Quốc lộ 60 đế nối thông toàn tuyến hành lang ven biến phía Đông, tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển kinh tế xã hội các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua chủ trương đầu tư dự án tại văn bản số 1053/TTg-KTN ngày 14/7/2015 và đồng ý giao Bộ Giao thông Vận tải lập dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 gồm 2 hợp phần (hợp phần 1 đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT và hợp phần 2 đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020).

Theo đó, hợp phần 1 với mức đầu tư khoảng 2.754 tỷ đồng để đầu tư xây dựng phần cầu Đại Ngãi 1 bằng kết cấu dây văng đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT. Thời gian thu phí hoàn vốn đầu tư dự kiến có các trạm thu phí tại cầu Đại Ngãi khoảng 22 năm 4 tháng; thu phí tại trạm thu phí cầu Cổ Chiên khoảng 13 năm 4 tháng (sau khi đã hoàn vốn cho dự án cầu Cổ Chiên).

Dự kiến khởi công hợp phần 1 trong năm 2016 và hoàn thành đưa vào khai thác vào năm 2019. Tháng 3/2016 vừa qua, có 5 nhà đầu tư mua hồ sơ mời sơ tuyển nhưng chỉ có một nhà đầu tư nộp hồ sơ dự sơ tuyển. Tuy nhiên, hồ sơ tham dự lại không đạt yêu cầu và ngay sau đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có quyết định hủy kết quả sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện hợp phần 1.

Hợp phần 2 với tổng mức đầu khoảng 2.972 tỷ đồng để đầu tư toàn bộ phần cầu dẫn của cầu Đại Ngãi 1; xây dựng cầu Đại Ngãi 2, đường dẫn vào cầu, các hạng mục còn lại của dự án và công tác giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020, dự kiến hoàn thành đồng bộ với hợp phần 1.

Tuy nhiên, hiện nay chủ trương phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020 chưa được Quốc hội thông qua nên chưa có cơ sở để thẩm định nguồn vốn này.

Vì vậy, cả hai hợp phần dự án hiện Bộ Giao thông Vận tải đều không thể tiếp tục triển khai do có nhiều khó khăn vướng mắc như đã nêu ở trên.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có giải pháp khi chuyển hướng nguồn vốn đầu tư dự án này sang vay ODA của Nhật Bản.

Cụ thể, từ năm 2011, dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi đã được Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Nhật Bản (OCAJI) quan tâm khảo sát nghiên cứu. Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có các văn bản đề xuất với Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) và Cơ quan họp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ nghiên cứu để xúc tiến vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải đưa dự án vào danh mục đăng ký vay vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản từ năm 2011-2014 với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, phía Nhật Bản chưa quan tâm nghiên cứu tài trợ dự án vì phía bạn cho rằng do cầu Cổ Chiên chưa được xây dựng nên việc xây dựng cầu Đại Ngãi sẽ không hiệu quả.

Đặc biệt, sau khi cầu Cổ Chiên hoàn thành, METI đã cấp một khoản kinh phí cho Hiệp hội tư vấn và nhà thầu Nhật Bản nghiên cứu dự án này.

Do dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi có tổng mức đầu tư và quy mô xây dựng lớn nằm trên khu vực địa chất phức tạp nên việc tận dụng kết quả nghiên cứu và tham vấn của tư vấn METI có nhiều kinh nghiệm là rất hữu ích, đặc biệt có sự so sánh các yếu tố kinh tế-kỹ thuật giữa hai tư vấn trong và ngoài nước đế có thể lựa chọn được phương án hiệu quả kinh tế và tính bền vững của công trình.

Do tính cấp thiết của dự án cần sớm xây dựng trong khi việc thực hiện hợp phần 1 theo hình thức Hợp đồng BOT không khả thi, hợp phần 2 còn nhiều khó khăn về nguồn vốn, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi phương thức đầu tư dự án xây dựng cầu Đại Ngãi sang sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản đế Bộ Giao thông Vận tải triển khai công tác chuẩn bị dự án theo Nghị định 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 của Chính phủ về Quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài./.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư