Ngành dệt may mừng và lo trước thềm EVFTA

(BĐT) - Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) dự kiến được Quốc hội phê chuẩn vào ngày 20/5 - ngày đầu tiên của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV - được các doanh nghiệp (DN) dệt may vui mừng đón nhận. 
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào EU được kỳ vọng sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có Hiệp định EVFTA. Ảnh: Tường Lâm
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào EU được kỳ vọng sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có Hiệp định EVFTA. Ảnh: Tường Lâm

Hầu hết các DN mong đợi đơn hàng sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2020. Tuy nhiên, còn nhiều điều kiện DN phải đáp ứng để có thể tự tin lưu thông trên “đường cao tốc” EVFTA.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Hữu Thành - Giám đốc Công ty CP Kết nối châu Âu (Eurolink) cho biết, đây là tin vui cho ngành dệt may trong bối cảnh đang phải chịu thiệt hại bởi dịch Covid-19. Cơ hội của các DN khi EVFTA có hiệu lực là rất lớn. Hiện có nhiều DN châu Âu, Mỹ tiếp cận thông tin Eurolink để tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Với quy mô nhập khẩu hàng dệt may hàng năm hơn 250 tỷ USD, EU là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới, chiếm 34% tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may thế giới. Trong khi thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 2,7%, dư địa để ngành dệt may gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU sau khi EVFTA có hiệu lực được các DN đánh giá là rất triển vọng. Dự báo kim ngạch xuất khẩu dệt may vào EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có Hiệp định.

GS.TSKH Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, việc mở rộng được thị trường xuất khẩu sang châu Âu có ý nghĩa rất lớn để thương mại Việt Nam giảm bớt phụ thuộc vào một thị trường.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, với thuế suất về 0%, các DN sẽ có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, để tận dụng cần phải chuẩn bị, lên kế hoạch cụ thể và cần nắm rõ các quy định mà EVFTA yêu cầu như tiêu chuẩn sản phẩm, nhu cầu của người tiêu dùng từng thị trường. Bởi lẽ, EU là thị trường rất khó tính, điều kiện kinh doanh chặt chẽ, đòi hỏi cao về tiêu chuẩn chất lượng và mẫu mã sản phẩm, chỉ với một sơ suất cũng sẽ ảnh hưởng đến việc xuất khẩu sang thị trường này.

Chẳng hạn như việc EU luôn đề cao sức khoẻ người tiêu dùng, chính vì vậy chỉ cần phát hiện một lô hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đạt chất lượng, ngành hàng đó sẽ bị kiểm tra gắt gao, thậm chí sẽ bị cấm nhập khẩu vào thị trường EU vĩnh viễn, ảnh hưởng đến toàn bộ cộng đồng DN.

Nhìn nhận từ góc độ DN, ông Nguyễn Hữu Thành cũng nhấn mạnh: Việt Nam đã có nhiều bài học “đau đớn” xung quanh vấn đề xuất xứ. Do vậy, bản thân các DN cần có ý thức cao về vấn đề này. Đồng thời, Chính phủ, các cấp, các ngành phải vào cuộc thực sự quyết liệt, xử lý mạnh tay những DN chộp giật.

Theo cam kết tại EVFTA, các yêu cầu về quy tắc nguồn gốc xuất xứ rất chặt chẽ. Theo đó, các mặt hàng muốn được ưu đãi thuế quan thì nguyên liệu phải đáp ứng được một tỷ lệ hàm lượng nội khối nhất định (tức là nguyên liệu có xuất xứ tại EU hoặc Việt Nam).

“Đây là một thách thức lớn đối với các DN bởi nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay chủ yếu được nhập từ Trung Quốc hoặc các nước trong ASEAN. Để khai thác tối đa những ưu đãi mà EVFTA mang lại, cả cơ quan quản lý và cộng đồng DN phải cùng vào cuộc”, đại diện Bộ Công Thương chia sẻ.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để thu hút đầu tư từ DN trong nước và DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào sản xuất nguyên phụ liệu. Đặc biệt, phải có cơ chế thúc đẩy sự liên kết giữa DN sản xuất nguyên phụ liệu với các DN sản xuất sản phẩm, tạo thành chuỗi liên kết khép kín, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy cơ chế xây dựng các khu công nghiệp dệt may có xử lý nước thải hiện đại, để chu trình dệt - nhuộm - may - hoàn tất được đầu tư phát triển, đóng góp vào nguồn cung toàn cầu và giảm bớt phụ thuộc nhập khẩu, tận dụng tối đa ưu đãi từ EVFTA hay những hiệp định thương mại khác.

Chủ một DN dệt may cho biết, nguyên tắc để hàng dệt may Việt Nam được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi theo EVFTA yêu cầu vải phải được dệt tại Việt Nam hoặc EU và cắt may tại Việt Nam. Trong khi đó, các DN sản xuất chưa minh bạch được vấn đề về vùng nguyên liệu. EVFTA mở ra cho Việt Nam nhiều nút thắt, vấn đề còn lại là do chúng ta. EU sẵn sàng nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam nhưng vấn đề cốt lõi là phải đảm bảo nguồn gốc xuất xứ. Hy vọng với tác động của EVFTA cùng làn sóng đầu tư dịch chuyển khỏi Trung Quốc, ngành dệt may sẽ nắm bắt được cơ hội “đổi đời”, gia tăng giá trị trong mỗi khâu.

Nhiều DN cũng đặt kỳ vọng, khi các nhà đầu tư nước ngoài thấy Việt Nam là thị trường tiềm năng, xu hướng chuyển giao công nghệ, đầu tư chuỗi nguyên phụ liệu sẽ gia tăng. “Chúng ta có thể giải bài toán này bằng cách bắt tay hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài trong chuỗi cung ứng trong làn sóng đầu tư thứ hai đang dịch chuyển từ Trung Quốc”, đại diện một DN cho biết.

Trong khi đó, GS. Võ Đại Lược nhấn mạnh, không chỉ các sản phẩm xuất khẩu, nguồn nguyên liệu nhập khẩu hay thu hút đầu tư nước ngoài cũng đều có thể kỳ vọng nhiều hơn từ EVFTA. Tăng trưởng GDP, vì thế, cũng sẽ có thêm cơ hội để tránh rơi vào cảnh giảm tốc.

Chuyên đề