Ảnh minh họa |
Thảo luận về Dự thảo Luật tại Kỳ họp, Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) cho rằng, đấu thầu trước là quy định mới của Dự thảo Luật nhằm tạo điều kiện rút ngắn thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu, tuy nhiên các công việc lựa chọn nhà thầu được thực hiện trước khi có quyết định phê duyệt dự án quy định tại Khoản 2 là khá rộng. Đại biểu đề nghị, rà soát lại các trường hợp được đấu thầu trước theo hướng chỉ là những gói thầu cần đảm bảo tính liên tục, kế thừa hoặc một số nội dung liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật quy định: "Trường hợp dự án không được phê duyệt thì chủ đầu tư bồi hoàn chi phí liên quan đến việc tham dự thầu của nhà thầu trúng thầu". Theo Đại biểu Kiều, quy định này chưa đảm bảo quyền lợi của các nhà thầu tham dự đấu thầu. Việc dự án không thuộc phê duyệt là lỗi của bên mời thầu, chủ đầu tư khi không lường trước được tình huống này mà vẫn tổ chức đấu thầu. Do đó, trường hợp này các nhà thầu tham gia dự thầu đều phải được đền bù chi phí, không chỉ nhà thầu trúng thầu.
Đại biểu Cầm Hà Chung (Phú Thọ) cũng đánh giá, đây là quy định cho phép rút ngắn thời gian thực hiện dự án, nhưng khi triển khai thực tế sẽ khó làm; để linh động, hiệu quả và triển khai nhanh, đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này. Đồng thời, đề nghị có hướng dẫn cụ thể về trường hợp cần thiết (Khoản 1 Điều 39) có thể thực hiện đấu thầu trước đối với các gói thầu dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp hỗn hợp, trừ các gói thầu tại Điểm b, Khoản 2 Điều 39. Việc quy định cụ thể trường hợp nào được coi là cần thiết sẽ giúp hạn chế các trường hợp thực hiện đấu thầu trước nhưng không cần thiết hoặc trường hợp đã đấu thầu trước nhưng dự án không được phê duyệt dẫn đến việc bồi hoàn, lãng phí nguồn lực. Về Khoản 4 Điều 39 quy định "trường hợp dự án không được phê duyệt thì chủ đầu tư bồi hoàn chi phí liên quan đến việc tham dự thầu của nhà thầu trúng thầu", Đại biểu Chung đề nghị cần hướng dẫn việc sử dụng ngân sách cấp nào bồi hoàn chi phí để tránh lúng túng khi thực hiện.
Một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính ngân sách cũng đề nghị đánh giá kỹ sự cần thiết, tác động, rủi ro, khả năng kiểm soát rủi ro đối với quy định về đấu thầu trước; quy định chặt chẽ điều kiện, thủ tục, quy trình, cơ chế xử lý rủi ro khi thực hiện đấu thầu trước và chỉ áp dụng cho trường hợp rất đặc thù.
Trước đó, Chính phủ đã có giải trình thêm tới Quốc hội về quy định này. Theo đó, Điều 39 của Dự thảo Luật về đấu thầu trước chỉ áp dụng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa đã xác định được phạm vi cung cấp, yêu cầu kỹ thuật; gói thầu dịch vụ phi tư vấn, xây lắp phục vụ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, di dời công trình hạ tầng, kỹ thuật, rà phá bom mìn, vật nổ, quy hoạch đất, tái định cư. Đối với gói thầu xây lắp, hàng hóa, phi tư vấn khác nếu chưa xác định được chính xác phạm vi cung cấp thì chỉ cho phép lập, phê duyệt hồ sơ mời thầu mà chưa được tổ chức đấu thầu. Việc cho phép áp dụng đấu thầu trước đối với các gói thầu đã xác định được phạm vi cung cấp, yêu cầu kỹ thuật sẽ góp phần tiết kiệm thời gian thực hiện dự án, đồng thời không gây ra các rủi ro cho bên mời thầu và nhà thầu do khối lượng công việc, yêu cầu kỹ thuật đã được nêu rõ trong hồ sơ mời thầu, bảo đảm chỉ sau khi dự án được duyệt thì các bên mới ký hợp đồng để thực hiện gói thầu. Trên thực tế, WB và ADB đã có quy định cho phép đấu thầu trước để tiết kiệm thời gian thực hiện dự án, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Bên cạnh đó, Luật số 03/2022/QH15 cũng đã có quy định cho phép áp dụng đấu thầu trước đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA.