Đấu thầu thuốc, vật tư y tế: Chờ bước chuyển mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - “Khó khăn của ngành y tế rất nhiều, nhưng tôi sẽ cùng tập thể lãnh đạo Bộ và đội ngũ cán bộ ngành tháo gỡ từng vấn đề”, tân Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ như vậy ngay khi nhậm chức. Bà khẳng định, thời gian qua, ngành y tế không đơn độc, luôn nhận được sự ủng hộ của Đảng, Chính phủ, các bộ, ban, ngành hỗ trợ để phục hồi, phát triển…
Hiện Bộ Y tế đang cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, bổ sung các quy đinh về đấu thầu thuốc, trang thiết bị vật tư thông qua dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Hiện Bộ Y tế đang cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, bổ sung các quy đinh về đấu thầu thuốc, trang thiết bị vật tư thông qua dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Những khó khăn hiện hữu

Những ngày đầu của Kỳ họp lần thứ 4 Quốc hội khóa XV, một trong những vấn đề làm “nóng” nghị trường là tiến độ khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế (TTBYT) xảy ra từ đầu năm đến nay. Nhiều ý kiến phản ánh thực trạng các bệnh viện cứ mãi loay hoay với câu chuyện mua sắm thuốc, vật tư, TTBYT. Thậm chí, trong Phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp ngày 22/10, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM Nguyễn Trí Thức cho biết, ông chưa thấy có thay đổi nào về chính sách, dù đã hơn 8 tháng kể từ khi có phản ánh đầu tiên về tình trạng thiếu thuốc, vật tư, TTBYT được nêu ra.

Vậy lý do nào dẫn đến hiện trạng thiếu thuốc, vật tư, TTBYT? Tìm hiểu từ thực tế được biết, có 2 vướng mắc rất lớn, làm khó hoạt động này trong thời gian qua. Thứ nhất, tốc độ gia hạn giấy đăng ký lưu hành (ĐKLH) thuốc chưa đáp ứng yêu cầu thực tế và thứ hai, chưa có kết quả đàm phán giá thuốc biệt dược gốc do Bộ Y tế tổ chức.

Liên quan đến việc chậm trễ gia hạn ĐKLH thuốc, ông Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy ĐKLH thuốc, nguyên liệu làm thuốc cho biết, đến nay, Bộ Y tế đã tiếp nhận hơn 14.000 hồ sơ. Với tốc độ giải quyết được khoảng 500 hồ sơ/tháng như hiện nay, dự kiến đến hết năm 2022, sẽ gia hạn được khoảng 5.000 hồ sơ. Khoảng 10.000 hồ sơ đã được gia hạn giấy ĐKLH theo Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2022, nhưng không kịp xử lý gia hạn, chưa kể hàng nghìn thuốc sẽ hết hiệu lực ĐKLH trong năm 2023… Nguyên nhân cốt yếu dẫn đến tình trạng này là thiếu nhân sự xử lý, thẩm định hồ sơ.

Đối với danh mục thuốc đàm phán giá, khó khăn trong thời gian qua đến từ việc Trung tâm Mua sắm thuốc tập trung quốc gia thuộc Bộ Y tế đã nhiều lần thông báo tới UBND tỉnh/thành phố, Sở Y tế và cơ sở y tế về việc chủ động mua sắm. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn có tâm lý chờ đợi kết quả đàm phán giá của Bộ Y tế, nên điều trị cầm chừng, thay thế bằng các thuốc khác cùng hoạt chất. Điều này gây nhiều quan ngại làm giảm hiệu quả, lỡ mất cơ hội thời điểm “vàng” điều trị... Tuy nhiên, theo tìm hiểu, Trung tâm này vừa đạt được thỏa thuận với các nhà thầu về tất cả mặt hàng thuốc thuộc Danh mục.

Chờ bước chuyển mới từ tân Bộ trưởng

Dù đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhưng thực tế, Bộ Y tế đã và đang cố gắng hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo thuận lợi cho hoạt động mua sắm thuốc, vật tư, TTBYT.

Trả lời phỏng vấn bên lề Kỳ họp lần thứ 4 Quốc hội khóa XV, tân Bộ trưởng Đào Hồng Lan chia sẻ, thời gian qua, Bộ Y tế đã tập trung rà soát những gì làm được và những gì hạn chế, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến pháp luật, thể chế trong hệ thống y tế.

Trước mắt, Bộ Y tế đang tăng cường đẩy mạnh cấp phép lưu hành thuốc, vật tư, TTBYT; tập trung tổng kết Nghị quyết số 30/2021 của Quốc hội cho phép Chính phủ thực hiện các giải pháp chưa có tiền lệ; đẩy nhanh tốc độ mua sắm tập trung và đàm phán giá thuốc. Bộ Y tế cũng trực tiếp làm việc với các địa phương, bệnh viện để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phân cấp…

Để khắc phục dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư, TTBYT, Bộ Y tế đã trình Quốc hội Dự thảo Luật Khám, chữa bệnh, Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế; trình Chính phủ Dự thảo Luật Dược (sửa đổi); phối hợp với các bộ ngành liên quan để sửa đổi Luật Đấu thầu, Luật Giá, các nghị định…; xây dựng và tổ chức lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập…

Cũng theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, hiện Bộ Y tế đang cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, bổ sung các quy đinh về đấu thầu thuốc, trang thiết bị vật tư thông qua dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Bộ cũng tích cực đẩy mạnh tốc độ để làm sao đẩy nhanh việc cấp phép giấy gia hạn lưu hành thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế để có căn cứ cho doanh nghiệp tham gia cung ứng trên thị trường. Cùng với đó, Bộ đồng thời chỉ đạo các địa phương, bệnh viện chủ động tháo gỡ khó khăn thuộc thẩm quyền của mình, để đẩy nhanh tốc độ mua sắm, đấu thầu tập trung và đàm phán giá thuốc. Bộ cũng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền về cơ sở để làm sao chủ động, linh hoạt cho địa phương và cơ sở triển khai thực hiện.

Góp ý về giải pháp gỡ điểm nghẽn “đầu vào” cho hoạt động mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, TTBYT, ông Lê Văn Truyền đề xuất, trước mắt, ngay trong kỳ họp này, Quốc hội cần cho phép Chính phủ, cụ thể là Bộ Y tế thí điểm triển khai tiếp việc gia hạn tự động hiệu lực giấy ĐKLH đến hết ngày 31/12/2024. Nếu không thì tình trạng thiếu thuốc sẽ tiếp tục kéo dài.

Về giải pháp căn cơ, theo ông Truyền, cần phải sửa đổi Luật Dược. Một trong những điểm nghẽn tại Luật Dược là quy định tất cả hồ sơ (bao gồm đăng ký lần đầu, đăng ký gia hạn, thay đổi và bổ sung) đều phải do Hội đồng Tư vấn cấp giấy ĐKLH thuốc, nguyên liệu làm thuốc thẩm định. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng cơ chế tự động gia hạn đối với những thuốc sau khi hết hiệu lực mà không nhận được báo cáo đánh giá có tác dụng phụ, hay có vấn đề về chất lượng.

Chuyên đề