Đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế: Vì sao hàng giá rẻ, kém chất lượng trúng thầu?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - “Dao mổ rạch 3 lần mới qua da” hay “ống nội khí quản quá cứng gây chảy máu khi thực hiện thủ thuật”… là điều không ai mong muốn. Để mua sắm được hàng hóa đảm bảo chất lượng với giá cả phù hợp thay vì hàng giá rẻ, kém chất lượng, theo nhiều chuyên gia, hoàn toàn phụ thuộc vào hàng rào kỹ thuật được đưa ra trong “bài thầu” và giá kế hoạch mua sắm.
Để mua được thuốc, trang thiết bị y tế bảo đảm chất lượng với giá cả cạnh tranh, cần có hàng rào kỹ thuật và giá kế hoạch mua sắm phù hợp. Ảnh: Nhã Chi
Để mua được thuốc, trang thiết bị y tế bảo đảm chất lượng với giá cả cạnh tranh, cần có hàng rào kỹ thuật và giá kế hoạch mua sắm phù hợp. Ảnh: Nhã Chi

Đề bài và giá kế hoạch không phù hợp

Thời gian gần đây, trên một số diễn đàn, nhiều lãnh đạo bệnh viện phàn nàn về việc hàng hóa trúng thầu chủ yếu vì giá rẻ nhưng chất lượng kém, gây khó khăn trong khám, chữa bệnh.

Đơn cử, tại cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Bộ Y tế mới đây, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy phản ánh tình trạng dao mổ kém chất lượng, rạch 3 lần mới qua da. Trước đó, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cũng phản ánh, trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) một gói thầu mua sắm vật tư y tế, có hai mặt hàng được đánh giá đạt yêu cầu về kỹ thuật, mặt hàng có giá rẻ hơn được lựa chọn trúng thầu. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, ống nội khí quản (mặt hàng trúng thầu) quá cứng làm bệnh nhân chảy máu, gây khó khăn cho việc điều trị…

Đánh giá về những phản ánh nêu trên, một số chuyên gia đấu thầu cho rằng, cuộc thầu như trên được xem là không thành công. Nguyên nhân chủ yếu do “bài thầu” đưa ra yêu cầu không phù hợp, dẫn đến không đạt mục tiêu đề ra là chọn hàng hóa có chất lượng tốt với giá cả phù hợp. Trách nhiệm này thuộc về người ra “đề bài”.

Ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu cho biết, Luật Đấu thầu quy định 2 bước để đánh giá HSDT. Bước 1 là nhà thầu phải đủ năng lực, kinh nghiệm, tài chính và hàng hóa dự thầu phải đạt các tiêu chí kỹ thuật (TCKT) được đưa ra trong “bài thầu”. Bước 2 là xét giá của những nhà thầu có HSDT đã vượt qua bước 1 để lựa chọn trúng thầu. Nếu hàng hóa có giá rẻ nhưng không đạt yêu cầu kỹ thuật thì không được đánh giá về đề xuất tài chính. Do vậy, “việc bệnh viện mua “dao cùn” thì cần xem lại trình độ, năng lực của người làm công tác đấu thầu tại bệnh viện”, ông Tăng nhấn mạnh.

Theo một chuyên gia mua sắm tập trung tại Hà Nội, sở dĩ hàng hóa kém chất lượng có cơ hội “lọt lưới” chủ yếu do “đề bài” không rõ ràng, lỏng lẻo hoặc yêu cầu về kỹ thuật quá thấp so với nhu cầu. Mỗi ngành nghề, mỗi chủng loại hàng hóa có tiêu chuẩn kỹ thuật khác nhau. Do đó, bộ chuyên ngành cần ban hành các quy định hướng dẫn cụ thể về bộ TCKT riêng của ngành đó để cụ thể hóa trong “bài thầu”.

Việc mua sắm hàng hóa còn phụ thuộc vào giá gói thầu được phê duyệt trong tổng dự toán mua sắm thường xuyên. TS. Nguyễn Việt Hùng, chuyên gia về đấu thầu cho rằng, có ít tiền mà muốn mua loại hàng tốt nhất là điều không thể.

Một số cán bộ đấu thầu trong lĩnh vực y tế cho biết, theo quy định, việc xác định giá gói thầu dựa trên nguyên tắc không được cao hơn giá trúng thầu cao nhất. Tuy nhiên, một số sản phẩm có dải giá trúng thầu rất rộng, khiến nhiều đơn vị lúng túng, thường chọn giá trúng thầu thấp nhất để lập giá kế hoạch cho an toàn, tránh rủi ro khi hậu kiểm, tránh nguy cơ xuất toán. Bởi thực tế có nhiều trường hợp lấy giá trúng thầu tham khảo ở mức cao bị cơ quan Bảo hiểm Xã hội so sánh với mức giá ở các địa phương lân cận để giảm xuống.

Việc đấu thầu quá thiên về giá như vậy dẫn đến tình trạng các nhà sản xuất cũng chạy đua về giá, làm sao tiết kiệm chi phí để hạ giá thành sản phẩm, dẫn đến giảm chất lượng thuốc, vật tư khi sử dụng nguyên liệu giá rẻ, độ tinh khiết của nguyên liệu thấp.

Cần sớm bổ sung các tiêu chí đánh giá kỹ thuật

Thông tư số 14/2020/TT-BYT và Nghị định số 98/2021/NĐ-CP có quy định về phân nhóm trang thiết bị y tế dựa theo nước tham chiếu. Thực tế triển khai cho thấy, quy định về TCKT phân nhóm có nhiều điểm bất cập, gây khó khăn cho người thực thi, khó phân loại chất lượng hàng hóa có xuất xứ từ nhóm nước tham chiếu có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp với nhóm nước tham chiếu có tiêu chuẩn kỹ thuật cao. Ví dụ như Estonia, Litva, Malta, Hungary, Bulgaria… đứng cùng với nhóm nước tham chiếu như Đức, Nhật Bản, Mỹ, Canada, Australia, Pháp…

Với mặt hàng thuốc, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập và 2 thông tư sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, giữa các thông tư có một số quy định không thống nhất như phân chia gói thầu, nhóm thuốc, cách ghi đường dùng/dạng bào chế…

Nhận thức được bất cập này, tại Hội nghị Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ mới đây, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế đang có kế hoạch sửa đổi, bổ sung những quy định này.

Một số ý kiến cho rằng, khi sửa đổi các quy định liên quan đến đấu thầu thuốc, cần xem xét bổ sung các TCKT để đánh giá chất lượng thuốc nhằm khuyến khích các cơ sở tăng cường áp dụng kỹ thuật mới trong sản xuất thuốc, hay sửa đổi mẫu hồ sơ mời thầu mua thuốc để hướng dẫn cụ thể hơn về TCKT…

Chuyên đề