Đấu thầu thuốc, thiết bị y tế: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - “Một vị lãnh đạo ngành y tế bị khiển trách, cảnh cáo, thậm chí vướng vào vòng lao lý, đều khiến chúng ta hết sức đau lòng. Nhưng lỗi cá nhân chắc chắn phải trả giá, còn lỗi quy trình, lỗi hệ thống cho dù đã được chỉ ra nhưng thay đổi sao lại khó vô cùng”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) băn khoăn. Lỗi quy trình, lỗi hệ thống cần sửa như thế nào là vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội nêu ra trong các phiên thảo luận cũng như phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long tại nghị trường.
Việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị và sinh phẩm y tế đã được đưa vào chương trình thanh tra năm 2022. Ảnh: Gia Khoa
Việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị và sinh phẩm y tế đã được đưa vào chương trình thanh tra năm 2022. Ảnh: Gia Khoa

Tách bạch quản lý chuyên môn và quản trị?

Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, một giám đốc bệnh viện rất cần chuyên môn, tuy nhiên không chắc đã nắm vững về quản lý. Vậy tốt nhất nên tách rời việc mua sắm trang thiết bị, thuốc men ra khỏi lĩnh vực chuyên môn. “Vừa qua, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã có quyết định rất đặc biệt khi bổ nhiệm tôi làm Giám đốc Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 và đồng thời lại bổ nhiệm một vị giám đốc khác để điều hành, gọi là CEO chuyên lo về trang thiết bị, vật tư. Với mô hình mới đó, Bệnh viện đã hoạt động trơn tru, hiệu quả cho dù thành lập trong hoàn cảnh vô cùng cấp bách”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu lấy ví dụ và cho rằng, những bất cập hiện nay trong hệ thống cần được điều chỉnh càng sớm càng tốt, nếu không muốn hậu quả lớn hơn.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng đặt vấn đề bác sĩ giỏi nhưng chưa chắc đã quản trị giỏi, vậy có thể tách bạch giữa quản trị và quản lý chuyên môn được không? Vấn đề này, theo đại biểu Phạm Văn Hòa còn liên quan đến cơ cấu nhân sự thuộc quản lý của Bộ Nội vụ.

Nhiều đại biểu nhấn mạnh trách nhiệm, vai trò của cơ quan quản lý đối với các sai phạm trong lĩnh vực y tế thời gian qua. Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đặt câu hỏi về vai trò chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Bộ Y tế, nhất là khi Nghị quyết 30 với hàng loạt cơ chế đặc thù có hiệu lực.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, theo quy định, hàng năm, cơ quan chức năng của cơ quan chủ quản, cơ quan kiểm toán, thanh tra đều phải duyệt quyết toán đối với phần vốn ngân sách nhà nước, còn hoạt động về vốn của đơn vị tự quyết định phải kiểm toán báo cáo tài chính. “Những cơ quan này có chuyên môn về quản lý kinh tế mà còn không phát hiện sai phạm, vậy làm sao những giáo sư, bác sĩ chỉ biết đọc bệnh án phát hiện được”, vị đại biểu Hà Nội nêu. Đại biểu Hoàng Văn Cường dẫn quy định tại Luật Phòng chống tham nhũng về những sai phạm xảy ra sau khi có thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thì những người thực hiện chức năng này cũng phải chịu trách nhiệm.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra

Cho rằng việc nhiều lãnh đạo bệnh viện bị xử lý vì các sai phạm liên quan đến đấu thầu là rất “đau lòng”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhìn nhận, nguyên nhân một phần do cơ chế, sự hướng dẫn và đặc biệt những vi phạm này mang tính cá nhân khi quy định về đấu thầu đã có nhưng sai phạm vẫn xảy ra.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ sẽ tiếp tục rà soát những hướng dẫn, thể chế liên quan đến quản lý và tăng cường kiểm tra, giám sát mua sắm, đấu thầu, phân cấp, phân quyền. Bộ đã có văn bản và Thủ tướng đã liên tục nhắc nhở các địa phương phải thực hiện đúng quy định pháp luật, đảm bảo không có lợi ích nhóm, không được tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong đấu thầu. Việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị và sinh phẩm y tế đã được đưa vào chương trình thanh tra năm 2022.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế chỉ quản lý về chuyên môn, đối với vấn đề nhân sự, quản lý, tài chính, đấu thầu, UBND cấp tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm. Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý đúng quy định của pháp luật nếu phát hiện sai phạm.

Về những lỗ hổng trong xã hội hóa dẫn đến nhiều lãnh đạo bệnh viện sai phạm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, xã hội hóa vẫn phải tiếp tục vì đây là chủ trương đúng đắn để người dân có điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao hơn trong khi vốn nhà nước không đủ, nhưng cần hình thành hành lang pháp lý đầy đủ hơn. Bộ Y tế đang làm việc với Bộ Tài chính để trình Chính phủ ban hành nghị định về liên doanh, liên kết xã hội hóa. “Mong rằng khi nghị định được Chính phủ thông qua sẽ giải quyết thấu đáo các vấn đề, tránh sai phạm, quản lý giá công khai, minh bạch và hiệu quả hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Đối với vấn đề tách bạch chuyên môn và quản lý, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu kỹ hơn vấn đề này, để làm sao đảm bảo như mong muốn vừa có năng lực chuyên môn, vừa có năng lực quản trị là tốt nhất. Trong trường hợp cụ thể sẽ cân nhắc để xem xét, nhất là khi đang đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp chung thì rất cần thiết có năng lực quản trị để đáp ứng yêu cầu tự chủ đơn vị sự nghiệp y tế. Bên cạnh đó, cần làm rõ tiêu chuẩn, điều kiện, trách nhiệm của người đứng đầu trong đơn vị sự nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc đến tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW, các đơn vị sự nghiệp công lập, các bệnh viện nếu tự chủ hoàn toàn được phép tổ chức hạch toán như doanh nghiệp và phải kiểm toán hàng năm, báo cáo về tài chính. Những chuyện như liên kết đặt máy, mua bán vật tư, thiết bị y tế hàng năm thì bệnh viện công sẽ được Nhà nước hạch toán, còn những đơn vị tự chủ hoàn toàn phải kiểm toán và công khai. “Chúng ta đã thực hiện nghiêm việc này chưa hay đến khi mất bò mới lo làm chuồng?”, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi và đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra lại.

Chuyên đề