Bộ Y tế: Quy định nào đã đầy đủ, rõ ràng thì phải mua sắm, đấu thầu khẩn trương, không để thiếu thuốc, TTBYT

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan vừa ký ban hành Chỉ thị 05/CT-BYT về việc tăng cường công tác pháp chế trong ngành y tế.
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet

Theo Bộ Y tế, mặc dù công tác pháp chế thời gian qua đã có những đóng góp tích cực trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của ngành y tế, song công tác xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Chẳng hạn thể như: một số đơn vị chưa đặt công tác hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm, nhân lực làm công tác pháp chế còn thiếu, chưa đồng đều; chất lượng một số văn bản pháp luật chưa cao; còn tình trạng chậm tiến độ ban hành văn bản; công tác theo dõi thi hành pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn chưa được quan tâm đúng mức…

Do đó, tại Chỉ thị số 05/CT-BYT, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế (TTBYT), cơ chế tự chủ, xã hội hóa, liên doanh, liên kết.

“Những quy định của pháp luật về mua sắm, đấu thầu thuốc, TTBYT đã đầy đủ, rõ ràng thì phải tổ chức thực hiện khẩn trương, kịp thời, không để tình trạng thiếu thuốc, TTBYT, nhằm bảo đảm quyền lợi của người bệnh. Trường hợp khó khăn, vướng mắc phải kịp thời có văn bản báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết”, Bộ Y tế nhấn mạnh.

Đồng thời, các đơn vị phải chủ động, trách nhiệm cao trong tham mưu, xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật thuộc phạm vi quản lý, trong đó xác định xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu. Các đơn vị cần nâng cao chất lượng xây dựng văn bản; đánh giá tác động kỹ lưỡng, chủ động cung cấp thông tin trong quá trình xây dựng văn bản để tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp; bảo đảm không có “lợi ích nhóm”, “tư duy nhiệm kỳ” trong tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật.

Các đơn vị liên quan thuộc Bộ (Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Y, dược cổ truyền, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế) khẩn trương tham mưu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền các văn bản pháp luật để hoàn thiện hệ thống pháp luật về dược, TTBYT, tài chính y tế; tăng cường tập huấn, tổ chức triển khai các văn bản pháp luật về công tác quản lý tài chính, tài sản, mua sắm, đấu thầu, tự chủ, xã hội hóa, liên doanh, liên kết... Chú trọng công tác quản lý cấp phép nhập khẩu, đăng ký lưu hành, quản lý chất lượng, giá thuốc, TTBYT; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính gắn với phân cấp, phân quyền trong quản lý dược, TTBYT; tăng cường hiệu quả sử dụng thuốc, TTBYT tại các cơ sở y tế…

Chuyên đề