Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án sử dụng đất: Giải phóng nguồn lực từ đất đai

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong điều kiện ngân sách nhà nước hạn hẹp, chưa bố trí được cho giải phóng mặt bằng, nhiều địa phương đã đẩy mạnh áp dụng đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án có sử dụng đất để huy động được nguồn vốn từ khu vực tư nhân cho các dự án khu đô thị, khu thương mại..., góp phần thay đổi nhanh chóng diện mạo đô thị. Rất nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản đã nắm bắt cơ hội phát triển các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị quy mô lớn.
Năm 2020, có tổng số 299 dự án đầu tư có sử dụng đất với tổng mức đầu tư khoảng 344.179 tỷ đồng và tổng diện tích đất khoảng 14.800 ha. Ảnh: Nhã Chi
Năm 2020, có tổng số 299 dự án đầu tư có sử dụng đất với tổng mức đầu tư khoảng 344.179 tỷ đồng và tổng diện tích đất khoảng 14.800 ha. Ảnh: Nhã Chi

Nhiều địa phương áp dụng

Danko City (tên thương mại của Dự án Khu nhà ở Cao Ngạn, TP. Thái Nguyên) đang trong giai đoạn chuẩn bị hoàn thành, được đánh giá sẽ là khu đô thị lớn, hiện đại bậc nhất của TP. Thái Nguyên, do Công ty CP Tập đoàn Danko (Danko Group) đầu tư. Đây cũng là một trong những dự án được tỉnh Thái Nguyên thực hiện theo quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất trong thời gian qua. Dự án có tổng chi phí 1.299,8 tỷ đồng, tổng diện tích 49,94 ha, được công bố danh mục dự án, tổ chức sơ tuyển, lựa chọn nhà đầu tư trong đầu năm 2019 và UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt kết quả tháng 5/2019.

Dự án Trung tâm Trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ có tổng mức đầu tư 4.362 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất là 94 ha, tại Bình Định, được tổ chức lựa chọn nhà đầu tư năm 2020, có kết quả vào cuối năm 2020. Nhà đầu tư được lựa chọn là Liên danh Công ty CP Đô thị FPT Đà Nẵng - Công ty TNHH Đầu tư FPT - Công ty TNHH Phần mềm FPT.

Tháng 6/2020, Dự án Đầu tư xây dựng Khu phi thuế quan Phú Quốc (Kiên Giang) với tổng chi phí thực hiện hơn 6.800 tỷ đồng, diện tích 101 ha, chọn được nhà đầu tư là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương.

Thông qua cơ chế đấu thầu, Cao Bằng - một địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế đã lựa chọn được nhà đầu tư cho nhiều dự án nhà ở thương mại, như Dự án Phát triển đô thị số 10A, phường Sông Hiến, TP. Cao Bằng có tổng chi phí thực hiện 514 tỷ đồng; Dự án Phát triển đô thị số 9A, phường Sông Hiến, TP. Cao Bằng (658 tỷ đồng).

Đó chỉ là số ít trong hàng nghìn dự án khu đô thị, khu nhà ở, công trình thương mại dịch vụ... đã lựa chọn được nhà đầu tư thông qua đấu thầu. Tốc độ đô thị hóa của cả nước ngày càng cao, nhiều khu đô thị mới hiện đại đã và đang hình thành làm thay đổi diện mạo của các địa phương. Đồng thời, trong bối cảnh chưa bố trí đủ nguồn vốn giải phóng mặt bằng (GPMB) các quỹ đất lớn, cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất giúp địa phương huy động được nguồn lực tư nhân thực hiện nhiều dự án xây dựng nhà ở thương mại; công trình thương mại, dịch vụ; công trình đa năng, tổ hợp đa năng cho mục đích kinh doanh. Bởi vì theo quy định, sau khi được lựa chọn, nhà đầu tư ứng trước toàn bộ giá trị GPMB cho đơn vị, tổ chức có chức năng theo quy định để tiến hành bồi thường, GPMB khu đất, quỹ đất thuộc dự án theo phương án dự kiến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mà cơ quan nhà nước đã xây dựng.

Tính riêng năm 2020, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), có tổng số 299 dự án đầu tư có sử dụng đất với tổng mức đầu tư khoảng 344.179 tỷ đồng và tổng diện tích đất khoảng 14.800 ha. Trong đó, 234 dự án thực hiện theo quy định của Nghị định 30/2015/NĐ-CP và 65 dự án thực hiện theo quy định của Nghị định 25/2020/NĐ-CP; 113 dự án đã ký hợp đồng, 186 dự án đang thực hiện lựa chọn nhà đầu tư; 227 dự án đã xác định được hình thức lựa chọn nhà đầu tư, 72 dự án còn lại ở bước công bố danh mục dự án hoặc đang trong quá trình sơ tuyển nên chưa xác định hình thức lựa chọn nhà đầu tư. Trong số các dự án đã xác định được hình thức lựa chọn nhà đầu tư, có 82 dự án áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chiếm 27,4% với tổng mức đầu tư khoảng 70.891 tỷ đồng, tổng diện tích đất của các dự án khoảng 5.676 ha.

Theo Bộ KH&ĐT, số lượng dự án đầu tư có sử dụng đất năm 2020 giảm 75 dự án, nhưng tổng số vốn đầu tư huy động thông qua các dự án này tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2019 (tăng 189.789 tỷ đồng). Như vậy, có thể thấy sự chuyển biến trong thực hiện dự án của các địa phương: Triển khai các dự án có quy mô lớn, mang tính đồng bộ, tổng thể thay vì chia nhỏ dự án và phải thực hiện nhiều quy trình thủ tục cho các dự án nhỏ riêng rẽ.

Hoàn thiện khung pháp lý

Ngày 16/4/2009, Bộ KH&ĐT ban hành Thông tư số 03/2009/TT-BKH tạo ra khung hướng dẫn thống nhất đầu tiên về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án có sử dụng đất. Sau đó, Luật Đấu thầu 2013 đã luật hóa quy định về lựa chọn nhà đầu tư dự án đất, Nghị định 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, Nghị định 25/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định 30/2015/NĐ-CP, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, trong đó có nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 25/2020/NĐ-CP. Khung pháp lý về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất ngày càng được hoàn thiện, để tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện, đồng thời tạo cơ chế, công cụ hữu hiệu để tăng hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng đất đai, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ nguồn lực đất đai.

Mới đây nhất, ngày 16/11/2021, Thông tư số 09/2021/TT-BKHĐT (TT 09) hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư và dự án đầu tư có sử dụng đất được ban hành thay thế Thông tư số 06/2020/TT-BKHĐT. TT 09 bảo đảm thi hành thống nhất, đồng bộ và hiệu quả quy định tại các luật, nghị định mới, sửa đổi, bổ sung những hạn chế, bất cập nhằm tạo thuận lợi hơn cho quá trình tổ chức lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất; bảo đảm thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng, hiệu quả kinh tế trong việc lựa chọn nhà đầu tư...

Trong báo cáo công tác đấu thầu hàng năm, các địa phương đánh giá việc ban hành các nghị định, thông tư cùng với việc triển khai thi hành các văn bản khác có liên quan trong thời gian qua đã góp phần tạo dựng khung pháp lý đồng bộ cho việc thu hút đầu tư. Đồng thời nâng cao tính minh bạch, cạnh tranh, hiệu quả kinh tế trong việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất và hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai, qua đó góp phần thu hút nguồn lực đầu tư, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng, cả nước nói chung.

Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT, quá trình lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Để tăng cường hơn nữa hiệu quả lựa chọn nhà đầu tư, trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT đề nghị các địa phương cần khẩn trương chỉ đạo lập, thẩm định, phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất, bảo đảm đồng bộ với quy hoạch và danh mục dự án thu hồi đất, làm cơ sở để xác định hình thức lựa chọn nhà đầu tư và thực hiện các thủ tục đầu tư. Tăng cường cạnh tranh thực sự trong đấu thầu, phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi tiêu cực…

Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội tháo gỡ vướng mắc, tạo môi trường đầu tư cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, cắt giảm thủ tục hành chính hơn nữa…

Chuyên đề

Kết nối đầu tư