Phần lớn doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả dù được quản lý, sử dụng khối tài sản khổng lồ. Ảnh: Lê Tiên |
Nợ nần chồng chất
Theo báo cáo mới nhất về tình hình tài chính và kết quả hoạt động của 781 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước của Bộ Tài chính thì các đơn vị này hiện nắm giữ tổng tài sản 3.105.453 tỷ đồng; có vốn chủ sở hữu 1.233.723 tỷ đồng. Còn theo ước tính của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nếu tính toàn bộ các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và trên 50% vốn nhà nước thì tổng tài sản lên tới 257 tỷ USD. Nếu tính theo giá thị trường và tính cả giá trị bất động sản thì còn lớn hơn nhiều.
Mặc dù quản lý, sử dụng khối tài sản khổng lồ, nhưng theo báo cáo của Bộ Tài chính, doanh thu năm 2014 của 781 doanh nghiệp kể trên chỉ đạt 1.709.780 tỷ đồng, tăng đúng 1% so với năm 2013 và không bằng tốc độ lạm phát (tăng 4,98%). Tỷ suất lợi nhuận/tổng tài sản (ROA) của khu vực DNNN năm 2014 cũng giảm 1%.
Doanh thu giảm, lợi nhuận giảm nên nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách nhà nước của DNNN năm 2014 giảm 1% so với năm 2013. Trong đó, khu vực tập đoàn kinh tế chiếm tới 68% tổng số thuế, phí, lệ phí phải nộp vào ngân sách nhà nước của cả khu vực doanh nghiệp 100% vốn nhà nước giảm 2% so với năm 2013.
Năm 2015, bức tranh toàn cảnh về khu vực doanh nghiệp này nhiều khả năng cũng không mấy sáng sủa. Vì bước vào năm tài khóa 2015, theo số liệu của Bộ Tài chính, 93 tập đoàn, tổng công ty đang “ôm” số nợ phải thu 293.617 tỷ đồng, tăng 11% so với năm tài khóa trước, trong đó, nợ phải thu khó đòi là 13.570 tỷ đồng, tăng 18,6%. Khu vực công ty mẹ - con cũng có “cục nợ” 293.617 tỷ đồng, tăng 2%, trong đó “cục nợ” khó đòi là 9.569 tỷ đồng, tăng 19,4%. Các tập đoàn, tổng công ty đã trích 12.032 tỷ đồng dự phòng nợ phải thu khó đòi và 5.192 tỷ đồng dự phòng giảm giá hàng tồn kho nên năm tài khóa 2015 lợi nhuận còn lại chắc chắc sẽ giảm, theo đó, đóng góp vào ngân sách nhà nước cũng giảm theo.
Nợ phải thu đã lớn, nợ phải trả còn lớn hơn. Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, bước vào năm tài khóa năm 2015, “93 quả đấm thép”, không tính SBIC (Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, tiền thân là Vinashin) đang nợ 1.567.063 tỷ đồng, trong đó có 28 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu từ 3,03 lần đến 48,27 lần, trong khi đó, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu được Chính phủ khống chế tối đa là 3 lần.
Tài sản quốc gia đang bị hao mòn
“Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, Phân đạm Ninh Bình, Gang thép Thái Nguyên… trước đó là Vinashin, Vinalines. Xây dựng đường cao tốc có giá thành đắt nhất thế giới, dự án, công trình nào cứ dính dáng đến Nhà nước bao giờ suất đầu tư cũng cao hơn, hiệu quả cũng thấp hơn với khu vực ngoài nhà nước thực hiện. Tất cả những công trình, dự án, doanh nghiệp này đã, đang làm hao mòn tài sản quốc gia, góp phần làm nghèo đất nước nhưng không có ai phải chịu trách nhiệm” - ông Cung phát biểu và cho rằng, chừng nào chưa quy được trách nhiệm cụ thể cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nào chịu trách nhiệm trước thực trạng tài sản quốc gia bị hao mòn thì hiệu quả đầu tư vốn, tài sản nhà nước vẫn là vấn đề nhức nhối.
Nguyên Viện trưởng CIEM, PGS. TS. Lê Xuân Bá cho rằng, cần phải sớm tách chức năng chủ sở hữu nhà nước ra khỏi chức năng quản lý nhà nước; xóa bỏ chức năng chủ sở hữu của các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh và thành lập một cơ quan chuyên trách thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. “Thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu nhà nước trước hết sẽ tập trung được nguồn lực hiện đang phân tán ở rất nhiều bộ, ngành, địa phương vào một đầu mối để sử dụng hiệu quả, đầu tư đúng mục tiêu, chiến lược phát triển quốc gia”, ông Bá nói và kiến nghị, đồng thời với việc thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu, cần phải đẩy mạnh thoái vốn, cổ phần hóa và chỉ đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực Nhà nước buộc phải đầu tư.