Cứu doanh nghiệp hậu Covid-19: Quyết sách phải căn cơ, đúng thời điểm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chia sẻ tại Tọa đàm "Làm gì để giải cứu doanh nghiệp sau Covid-19?" tổ chức ngày 9/6, tại Hà Nội, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận, đại dịch Covid -19 tác động mạnh tới khu vực doanh nghiệp (DN) Việt Nam khiến số lượng, quy mô DN suy giảm, số lao động mất việc làm và thất nghiệp gia tăng.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Tính đến ngày 20/3/2020, cả nước có trên 15% số DN phải cắt giảm quy mô sản xuất; ước tính có khoảng hơn 1 triệu người bị giảm giờ làm hoặc mất việc. Ngay cả trong tháng 5 khi nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục thì số DN phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh vẫn cao. Ứng phó với khó khăn này, nhiều DN cắt giảm lao động, giảm lương công nhân, cắt giảm chi phí hoạt động chung…

Về phía Chính phủ, thời gian qua, nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đã được ban hành như: giảm lãi suất cho vay; gia hạn 4-5 tháng nộp thuế, miễn tiền chậm nộp; cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm phí... Tuy nhiên, nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, lãi suất vay giảm nhưng ai được giảm và giảm bao nhiêu tùy thuộc vào thỏa thuận với các tổ chức tín dụng. Đối với các loại thuế thì DN nào có kinh doanh, có doanh thu thì mới phát sinh, song tiền thuế đất thì không kinh doanh vẫn phải nộp… Vì thế, trên thực tế các DN vẫn đang gặp nhiều khó khăn, rào cản trong việc tiếp nhận hỗ trợ và tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

“Định hướng chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh là phù hợp. Tuy vậy, hàng loạt giải pháp được đưa ra, nhưng văn bản pháp lý hỗ trợ DN thì mới có 1 nghị định, 2 thông tư, còn lại là dạng đốc thúc”, ông Cung cho biết.

Mức hỗ trợ được đánh giá là quá nhỏ so với mức độ thiệt hại của DN cũng như so với mức hỗ trợ của Chính phủ các nước khác cho DN của họ. Thêm vào đó, miễn và giảm nghĩa vụ thuế, phí còn ít, thậm chí hầu như chưa có, hoặc có nhưng không kịp thời. Một số điều kiện hỗ trợ không hợp lý, không thực tế…

Mới đây, Hiệp hội DN điện tử Việt Nam cho biết, một số DN đã nộp hồ sơ đăng ký gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, tuy nhiên, các DN này thấy rằng có nhiều thủ tục rườm rà, không phù hợp với DN của mình nên không tìm hiểu để tiếp cận những gói hỗ trợ này.

Thông tin với báo chí, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, đến thời điểm này mới chỉ có 2 DN liên hệ làm thủ tục xin vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động.

Kết quả khảo sát do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện tháng 4 vừa qua cũng cho thấy, điều DN mong mỏi nhất hiện nay là tháo bỏ rào cản kinh doanh và minh bạch thủ tục, chính sách hơn là những hỗ trợ bằng tiền.

Nhìn từ yêu cầu này của DN, nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, hiện chỉ có đầu tư tạo tài sản là điểm quan trọng nhất trong môi trường kinh doanh thì lại đang là điểm nghẽn do còn tình trạng xin - cho. Vì thế, DN trong nước chỉ dám đầu tư nhỏ trong ngắn hạn; đầu tư dịch vụ chứ không đầu tư tạo tài sản. “Cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh cần thực chất, hô khẩu hiệu sẽ không đạt được”, ông Cung khuyến nghị.

Cũng theo ông Cung, sở dĩ các DN gặp khó khăn khi tiếp cận sự hỗ trợ của Chính phủ hiện nay là do quy trình ra quyết định trên lĩnh vực kinh tế của ta còn chậm trong khi nhiều nước làm rất nhanh. Cùng với đó, các bộ, cơ quan quản lý nhà nước phản ứng rất chậm trong việc tháo gỡ khó khăn cho DN.

Để giúp DN vượt qua khó khăn hiện nay, một số chuyên gia cho rằng, Chính phủ nên hỗ trợ tập trung vào các ngành chịu tác động và thiệt hại nhiều nhất do dịch Covid-19 như: hàng không, du lịch… Việc hỗ trợ cũng nên “ra tấm ra món”, có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, để tạo tăng trưởng dài hạn và kích thích sự phát triển của cộng đồng DN, Chính phủ cần quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tại kỳ họp Quốc hội này, cơ quan lập pháp có thể xem xét, quyết định một số giải pháp thiết thực hỗ trợ DN như: giảm 30% thuế thu nhập DN phải nộp năm 2019 đối với DN nhỏ và siêu nhỏ; miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên đối với DN khai thác nước để sản xuất, kinh doanh trong năm 2020…

Nhìn về cơ hội mở ra từ Hiệp định EVFTA vừa được Quốc hội phê chuẩn, ông Cung cho rằng, chúng ta phải nhìn vào khó khăn, điểm nghẽn trong phát triển hiện nay của mình để tập trung cải cách mới có thể nắm được cơ hội.

Về việc thu hút FDI trong bối cảnh mới, TS. Nguyễn Ngọc Chu, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, chúng ta không phải nằm chờ “đại bàng” tới làm tổ, mà phải xác định DN trong nước sẽ chính là đại bàng để có những giải pháp phù hợp nhằm phát huy nội lực.

Chuyên đề