Cung cấp dịch vụ công: Tăng đấu thầu, giảm đặt hàng

(BĐT) - Bộ Tài chính đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. 
Bộ KH&ĐT nhận xét, có nhiều sản phẩm, dịch vụ công có thể đấu thầu thay vì đặt hàng, giao nhiệm vụ. Ảnh: Lê Tiên
Bộ KH&ĐT nhận xét, có nhiều sản phẩm, dịch vụ công có thể đấu thầu thay vì đặt hàng, giao nhiệm vụ. Ảnh: Lê Tiên

Nghị định này được soạn thảo nhằm khắc phục một số tồn tại, hạn chế của 2 văn bản trước đây về sản xuất và cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích và quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí nhà nước.

1 nội dung 2 quy định

Theo tổng kết của Bộ Tài chính, Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích (Nghị định 130) và Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg ngày 14/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí nhà nước (Quyết định 39) ban hành đã tạo hành lang pháp lý cho các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương trong việc tổ chức thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN. Tuy nhiên, việc thực hiện 2 văn bản này còn tồn tại, hạn chế, chồng chéo khi cùng sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên nhưng được quy định ở cả 2 văn bản quy phạm pháp luật.

Cụ thể, nguồn kinh phí để thực hiện đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ, giao kế hoạch “dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN” hoặc “cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích” đều từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và từ nguồn thu phí để lại cho đơn vị chi theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí. Do đó, việc quy định tại 2 văn bản nêu trên cho cùng một nội dung là chưa phù hợp.

Mặt khác, cùng một danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN nhưng lại có 2 khái niệm khác nhau và tổ chức thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng khác nhau. Nghị định 130 quy định là “sản phẩm, dịch vụ công ích”; còn Quyết định 39 thì quy định là “dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN”. Do vậy, cần thiết phải rà soát, xác định cụ thể các danh mục sản phẩm, dịch vụ công ích, trường hợp theo tính chất là danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN thì đưa sang danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN, tránh tình trạng danh mục có tính chất như nhau nhưng tổ chức thực hiện khác nhau. 

Cụ thể hóa việc đặt hàng hay đấu thầu

Góp ý hoàn thiện Dự thảo Nghị định, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, mục đích của công tác đấu thầu là tăng cường tính công khai, cạnh tranh, minh bạch, do đó khuyến khích thực hiện đấu thầu và đặc biệt là đấu thầu qua mạng. Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định hiện đang quy định theo hướng mở rộng việc giao nhiệm vụ, đặt hàng.

Đại diện Bộ KH&ĐT phân tích, nội dung bao quát của Dự thảo Nghị định là việc giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu, nhưng lại ban hành 1 danh mục dịch vụ sự nghiệp công và quy định tùy điều kiện từng thời điểm cụ thể thì các bộ, ngành, địa phương có thể điều chỉnh danh mục này để không đặt hàng, giao nhiệm vụ nữa. Trong thực tế, việc để các bộ, ngành tự rà soát để điều chỉnh danh mục này là khó. Bộ KH&ĐT đã có khảo sát từ năm 2015 tại 4 địa phương và nhận thấy, hơn 90% sản phẩm, dịch vụ công là đặt hàng, giao nhiệm vụ, trong khi có nhiều dịch vụ có thể thực hiện đấu thầu được.

Đơn cử như việc thực hiện duy tu chăm sóc cây xanh, điện chiếu sáng khi thực hiện đấu thầu, có những gói thầu giảm tới 60% so với dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong khi đó, ở những nơi thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ, đã xảy ra hiện tượng có bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu và hàng năm đều xin kinh phí.

Do đó, Bộ KH&ĐT đề nghị, nếu đặt hàng hay giao nhiệm vụ thì phải quy định cụ thể tiêu chí được đặt hàng, giao nhiệm vụ; trường hợp không thực hiện được thì phải đấu thầu.

Cũng theo đại diện Bộ KH&ĐT, đặt hàng, giao nhiệm vụ về hình thức có thể giống với chỉ định thầu, nhưng cách thực hiện là khác nhau. Đối với chỉ định thầu, khi chỉ định 1 đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ vẫn phải đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, thương thảo hợp đồng, thưởng, phạt… Còn đặt hàng, giao nhiệm vụ đang được thực hiện theo kiểu cơ quan nhà nước duyệt ngân sách, giao cho đơn vị thực hiện mà không có đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, không có điều khoản thưởng, phạt khi không thực hiện được hoặc thực hiện không tốt.

Tại phiên họp thẩm định của Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp thuộc Bộ Tài chính bày tỏ đồng thuận và sẽ tiếp thu những góp ý của đại diện Bộ KH&ĐT. Cụ thể, Bộ Tài chính sẽ xác định thứ tự ưu tiên, rõ ràng trong việc thực hiện đấu thầu, đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ. Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, phải quy định cụ thể cái gì thực hiện đấu thầu, cái gì đặt hàng, và nếu chưa đủ điều kiện đấu thầu, đặt hàng thì mới giao nhiệm vụ.

“Tinh thần là tiến tới đấu thầu ngày càng tăng, đặt hàng, giao nhiệm vụ ngày càng giảm đi. Quy trình thực hiện đấu thầu cũng xin tiếp thu, những gì đã quy định trong Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn thi hành thì nên dẫn chiếu để không xung đột pháp luật” – ông Giang khẳng định nguyên tắc.

Chuyên đề