“Cú huých” mới cho đầu tư PPP tại TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dù là địa phương đầu tiên của cả nước triển khai thành công dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) nhưng hơn 3 năm trở lại đây, TP.HCM chưa có thêm dự án PPP mới. Khi Nghị quyết số 98/2023/QH15 về các chính sách đặc thù cho TP.HCM có hiệu lực, việc cụ thể hóa các dự án PPP trên địa bàn cần sớm được công bố để trở thành kênh dẫn vốn tư nhân hiệu quả.
Sắp tới, TP.HCM sẽ triển khai các dự án trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, giáo dục, giao thông theo phương thức PPP và theo chính sách đặc thù tại Nghị quyết số 98/2023/QH15. Ảnh: Tường Lâm
Sắp tới, TP.HCM sẽ triển khai các dự án trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, giáo dục, giao thông theo phương thức PPP và theo chính sách đặc thù tại Nghị quyết số 98/2023/QH15. Ảnh: Tường Lâm

Vì sao đầu tư PPP chững lại?

Tại Hội thảo Phổ biến quy định pháp luật về đầu tư PPP và chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 98/2023/QH15 diễn ra mới đây tại TP.HCM, nhiều ý kiến đề cập đến những rào cản khiến đầu tư PPP tại TP.HCM không có tiến triển từ thời điểm Luật PPP có hiệu lực.

Theo ông Phạm Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM, dấu hiệu chững lại của phương thức đầu tư này tại TP.HCM xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Cụ thể, công tác chuẩn bị, lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án PPP còn chậm. Thậm chí, chưa có dự án PPP nào được ký kết kể từ ngày Luật PPP có hiệu lực. Về khách quan, TP.HCM chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, chưa kịp phục hồi thì lại đối mặt với diễn biến bất lợi của tình hình kinh tế thế giới. Hoạt động của thị trường bất động sản, tài chính có diễn biến xấu, ảnh hưởng tâm lý chung của các nhà đầu tư.

Nguyên nhân chủ quan là hiểu biết, quan tâm về PPP trong các cơ quan thuộc TP.HCM, của nhà đầu tư, các chủ đầu tư chưa thực sự đồng đều, đúng mức. Khó khăn lớn nhất là việc xác định loại hợp đồng trong từng lĩnh vực, xác định chi phí, lãi vay, thủ tục thanh toán, quyết toán, nghiệm thu dự án PPP.

Theo Phó Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) Nguyễn Quang Thành, HFIC sẵn sàng ưu tiên sắp xếp vốn, hỗ trợ vốn cho các dự án PPP để nâng cao, cải thiện dịch vụ công trên địa bàn. Đồng thời, hạn mức cho vay ưu đãi các dự án PPP đã được HĐND Thành phố thông qua. Tuy nhiên, trong thời gian dài không có nhiều hồ sơ, hồ sơ chưa đủ chất lượng để HFIC tham gia.

TP.HCM cần chủ động xây dựng mẫu hợp đồng

Theo chia sẻ của bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT), TP.HCM đang đứng trước cơ hội rất lớn để đẩy nhanh, mở rộng các dự án PPP theo Luật PPP cũng như Nghị quyết số 98/2023/QH15. “Chỉ tính riêng với lĩnh vực văn hóa, thể thao; BOT trên tuyến hiện hữu theo Nghị quyết số 98 đã mở ra nhiều dự án hấp dẫn cho các nhà đầu tư nếu như khâu chuẩn bị hợp đồng của TP.HCM được thực hiện bài bản, chuyên nghiệp”, bà Lê nhận định.

Điểm a và điểm b Điều 4 Nghị quyết số 98/2023/QH15 quy định, ngoài các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP quy định tại Luật PPP, Thành phố được áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa. Trình tự, thủ tục thực hiện các dự án quy định tại điểm này thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư PPP. Quy mô, tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao do HĐND Thành phố quy định.

Nghị quyết của HĐND Thành phố quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP lĩnh vực y tế từ 30 tỷ đồng trở lên; các dự án thể thao và văn hóa do Thành phố quản lý có tổng mức đầu tư từ 45 tỷ đồng trở lên, do quận/huyện quản lý từ 10 tỷ đồng trở lên. Đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo, nhà đầu tư có thể đăng ký thực hiện dự án đầu tư trang thiết bị giáo dục tiếp cận tiến bộ khoa học công nghệ từ 5 tỷ đồng trở lên, dự án đầu tư cơ sở vật chất tổ chức hoạt động giáo dục thể chất từ 20 tỷ đồng trở lên, dự án đầu tư xây dựng trường lớp từ 100 tỷ đồng trở lên.

Theo đại diện Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP.HCM, trong giai đoạn 2020 - 2025, hàng loạt dự án đầu tư công vào lĩnh vực văn hóa được triển khai, trong đó có Dự án Xây dựng rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ (tổng mức đầu tư xấp xỉ 1.400 tỷ đồng). Do đó, TP.HCM quan tâm nhiều đến việc hợp tác cùng khu vực tư nhân để khai thác hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, giúp Thành phố có thêm kinh phí và tái đầu tư vào các dự án trong lĩnh vực này. “Tuy nhiên, việc áp dụng loại hợp đồng nào, thời gian khai thác, tỷ lệ doanh thu… ra sao, cấp thực hiện dự án chưa có sự tường tận, thống nhất”, đại diện này băn khoăn.

Đại diện Cục Quản lý đấu thầu cho biết, đối với các dự án PPP, hiện đã có quy định và hướng dẫn cụ thể cho 7 loại hợp đồng khi triển khai. Do đó, tùy vào tính chất, lĩnh vực của mỗi dự án, các chủ đầu tư có thể áp dụng loại hợp đồng phù hợp nhất. “Đơn cử, 5 dự án BOT trên tuyến hiện hữu mà TP.HCM đề xuất với tổng mức đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng sẽ áp dụng loại hợp đồng khác với các dự án lĩnh vực khác. Các dự án trong từng lĩnh vực sẽ nghiên cứu để áp dụng loại hợp đồng phù hợp nhất. Không thể có công thức chung, mẫu hợp đồng chung cho tất cả các lĩnh vực. Do đó, TP.HCM cần nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện mẫu hợp đồng phù hợp với từng lĩnh vực. Đây là động lực để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án PPP trên địa bàn. Công tác này không phụ thuộc vào bộ, ngành mà quy định hiện hành đã giao quyền chủ động cho TP.HCM”, vị đại diện nói.

Chuyên đề