Cổ đông chiến lược thực sự của Vilico là ai?

(BĐT) - Giữa tháng 4/2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quyết định thoái vốn khỏi Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico) bằng việc bán đấu giá 23,7 triệu cổ phần (CP) ra công chúng, đồng thời chuyển nhượng nốt 25,2 triệu CP cho đối tác chiến lược được lựa chọn là Công ty CP Việt Xuân Mới. Chỉ 6 ngày sau khi nhận CP từ Bộ NN&PTNT, Việt Xuân Mới đã bán 12,6 triệu CP Vilico cho một cá nhân “vô danh”.
Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu mang lại nguồn thu chính của Vilico. Ảnh: Tiên Giang
Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu mang lại nguồn thu chính của Vilico. Ảnh: Tiên Giang

Từ “lạnh” thành “nóng”

Vilico (mã chứng khoán VLC) được cổ phần hóa từ năm 2013, khi Bộ NN&PTNT quyết định thoái một phần vốn tại doanh nghiệp này. Đây cũng là đơn vị thứ tư thuộc Bộ này thực hiện thành công cổ phần hóa. Tuy vậy, CP VLC không đủ sức hấp dẫn khi Nhà nước vẫn nắm giữ đa số CP. Theo phương án ban đầu, Vilico có vốn điều lệ 765 tỷ đồng. Sau 2 lần chào bán CP, vẫn dư ra hơn 13 triệu đơn vị khiến vốn điều lệ phải thu hẹp xuống con số 631 tỷ đồng hiện tại.

Nếu nhìn vào tình hình tài chính của Vilico, nhà đầu tư sẽ không thấy nhiều điểm sáng khi doanh thu và lợi nhuận của tổng công ty này không có nhiều đột biến, ngay cả khi sau cổ phần hóa. Tính chất “doanh nghiệp nhà nước” vì vậy cũng không có nhiều đổi thay, khi Bộ NN&PTNT vẫn giữ nguyên tỷ lệ sở hữu 77,6% sau 3 năm cổ phần hóa.

Cổ phiếu VLC “nóng” lần 1 vào tháng 8 năm ngoái với thông tin Công ty CP Đầu tư và Sản xuất Thống Nhất (GTNFoods, mã chứng khoán GTN) lên tiếng sẽ mua 12,12% CP của Vilico.

Lần 2 là vào giữa tháng 4 năm nay, khi Bộ NN&PTNT quyết định thoái vốn khỏi Vilico bằng việc bán đấu giá 23,7 triệu CP ra công chúng, đồng thời chuyển nhượng nốt 25,2 triệu CP cho đối tác chiến lược được lựa chọn là Công ty CP Việt Xuân Mới. Trong khi đó, ĐHCĐ của GTNFoods năm 2016 vào cuối tháng 4 đã thông qua quyết nghị Công ty sẽ hoàn thành M&A (mua bán - sáp nhập) một doanh nghiệp nhà nước có ngành nghề liên quan đến sữa trong năm 2016. Thông tin này khiến người ta nghĩ ngay đến Sữa Mộc Châu.

Trên thực tế, Vilico hấp dẫn hơn những con số về tình hình tài chính hiện tại của Tổng công ty. Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Sữa Mộc Châu tương đối uy tín hiện nay, là một điểm sáng trong những tài sản mà Vilico nắm giữ (Vilico sở hữu 51% CP Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu). Năm 2015, doanh thu của Sữa Mộc Châu đạt gần 2.229 tỷ đồng, lãi ròng trên 190 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2014, biên lợi nhuận đạt 8,52%. Theo đánh giá của một chuyên gia trong ngành, biên lợi nhuận ngành sữa “không thể dưới 10%”. Chính vì vậy, Sữa Mộc Châu vẫn còn dư địa để tăng lợi nhuận trong tương lai. Sở hữu Vilico cũng đồng nghĩa với việc kiểm soát Sữa Mộc Châu.

Cuối tháng 6/2016, thông tin bắt đầu rõ ràng hơn khi GTNFoods chính thức đề nghị Vilico xin ý kiến cổ đông về việc công ty này mua chi phối CP Vilico lên tối đa 65% mà không cần chào mua công khai.

Cổ đông chiến lược hay… “quân xanh”?

Việc gom cổ phiếu thông qua các cá nhân vô danh, từ lâu đã là một biện pháp quen thuộc trên thị trường chứng khoán. Việt Xuân Mới “dọn đường” cho kế hoạch của GTNFoods, vì vậy cũng không phải là điều quá khó hiểu. 
Trong khi GTNFoods tỏ rõ ý định sở hữu chi phối Vilico, thì đối tác chiến lược được mua 40% CP từ Bộ NN&PTNT lại là Việt Xuân Mới. Trước khi ĐHCĐ Vilico thông qua kế hoạch của GTNFoods, Việt Xuân Mới đã nhanh chóng hoàn tất nhận chuyển nhượng 40% CP của Vilico thông qua Trung tâm Lưu ký chứng khoán.

Việc này dấy lên những đồn đoán trên thị trường rằng Việt Xuân Mới chỉ là “quân xanh” trong chiến lược nắm giữ CP chi phối của Vilico. Có những luận điểm đáng tin như sau:

Thứ nhất, việc GTNFoods sở hữu 65% CP của Vilico mà không qua chào mua công khai, nhìn chung không nhận được sự đồng thuận của các cổ đông khi có tới gần 30% phủ quyết. Thế nhưng, theo luật định, với tỷ lệ này, phương án của GTNFoods về cơ bản đã được thông qua.

Thứ hai, với danh nghĩa “đối tác chiến lược”, chỉ 6 ngày sau khi nhận CP  từ Bộ NN&PTNT, Việt Xuân Mới đã bán đi 20% CP Vilico (12,6 triệu CP) cho một cá nhân “vô danh”. Trước đó, cá nhân này hoàn toàn không nắm giữ CP của Vilico. Không ngoại trừ trường hợp, 20% CP Vilico còn lại mà Việt Xuân Mới nắm giữ cũng sẽ được chuyển nhượng trong nay mai.

Việc gom cổ phiếu thông qua các cá nhân vô danh, từ lâu đã là một biện pháp quen thuộc trên thị trường chứng khoán. Việt Xuân Mới “dọn đường” cho kế hoạch của GTNFoods, vì vậy cũng không phải là điều quá khó hiểu. Về mặt số học, để chi phối CP Vilico, GTNFoods buộc phải nhận từ Bộ NN&PTNT khi tổ chức này nắm giữ tới 77,6% CP Vilico (trước khi chuyển nhượng cho Việt Xuân Mới). Nếu 40% CP Vilico do Việt Xuân Mới nắm giữ không chuyển nhượng, không có cách nào để GTNFoods thực hiện tham vọng nói trên.

Mua và bán cổ phần là quyền của các cổ đông. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT chọn cổ đông chiến lược, ắt hẳn phải có những tiêu chí nhất định - thông thường là thời gian nắm giữ CP. Việc cổ đông chiến lược được lựa chọn lại nhanh chóng trao tay CP cho bên thứ ba, vì vậy gây không ít nghi ngại cho nhà đầu tư nhỏ lẻ của Vilico.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư