Chuyện về những ông lớn “ngược dòng”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cùng mắc Covid-19 nhưng cơ địa, sức khỏe mỗi người một khác nên có người hồi phục sớm hơn, có người lại mất nhiều thời gian hơn để lại sức. Câu chuyện của các doanh nghiệp cũng không khác là mấy. Một số ngành ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong bối cảnh đại dịch nhờ hưởng lợi từ việc tăng giá nguyên liệu, dịch vụ như thép, hóa chất, vận tải biển... Trong khi đó, du lịch, hàng không là những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất, không dễ hồi phục.
Vận tải biển là một trong những ngành được hưởng lợi lớn trong năm 2021. Ảnh: Nguyễn Trí
Vận tải biển là một trong những ngành được hưởng lợi lớn trong năm 2021. Ảnh: Nguyễn Trí

Năm 2021, trong cơn suy thoái kinh tế toàn cầu, hàng loạt doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, tạm ngưng hoạt động hay chật vật để duy trì sản xuất. Cũng có những doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận gấp đôi, gấp ba năm 2020.

Nền kinh tế toàn cầu dần mở cửa trở lại sau thời gian đình trệ đã kéo theo sự gia tăng giá cả của hàng loạt hàng hóa từ khoảng đầu năm 2021 tới nay. Giá nhiều loại hàng hóa tăng phi mã với mức tăng được tính bằng lần. Có thể dễ dàng nhận thấy điều này khi nhìn vào giá các mặt hàng như thép cuộn, phân bón, hóa chất với mức tăng từ 50% cho tới 200%.

Theo các chuyên gia, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng là nguyên nhân chính khiến giá một số hàng hóa trên thế giới tăng mạnh. Đồng thời, sự chênh lệch cung cầu hàng hóa do nhiều quốc gia cắt giảm sản lượng trong khi nhu cầu tăng từ sự phục hồi kinh tế cũng góp phần làm trầm trọng hơn tình trạng này. Ngoài ra, chi phí vận tải, đặc biệt là vận tải biển, tăng phi mã là một nhân tố khiến giá các loại hàng hóa "leo thang".

Với diễn biến trên, các “ông lớn” trong lĩnh vực thép, phân bón ăn nên làm ra bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đơn cử như ngành thép, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát lần đầu tiên ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế hơn 1 tỷ USD chỉ sau hơn 9 tháng. Đây cũng là con số lợi nhuận kỷ lục của Hòa Phát kể từ khi thành lập. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty vượt mốc 100.000 tỷ đồng. Không chỉ hưởng lợi từ giá thép, Hòa Phát còn là doanh nghiệp trong nước đầu tiên sản xuất được thép cuộn cán nóng (HRC). Sản phẩm công nghiệp có giá trị cao này được Hòa Phát kỳ vọng là động lực tăng trưởng mới của Công ty trong các năm tiếp theo. Các doanh nghiệp khác như Công ty CP Thép Nam Kim, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen… cũng ghi nhận con số lợi nhuận kỷ lục chỉ sau 9 tháng năm 2021.

Năm qua chứng kiến nhiều thương vụ “khủng” của FPT trong lĩnh vực chuyển đổi số như: hợp đồng quy mô 40 triệu USD trong 2 năm, tập trung vào các dự án chuyển đổi số khối Chính phủ nhằm phát triển mô hình quốc gia số và một loạt thỏa thuận hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số cho các địa phương, doanh nghiệp.

Đáng chú ý, động lực tăng trưởng của ngành còn đến từ nhu cầu tăng ở châu Á, châu Mỹ và châu Âu khi các khu vực này tăng đầu tư vào kết cấu hạ tầng. Sau 11 tháng năm 2021, mặt hàng thép chính thức bước chân vào câu lạc bộ các mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Không chỉ các doanh nghiệp thép lập kỷ lục về lợi nhuận, “cơn sốt” giá phân bón, hóa chất cũng giúp Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí thu về 3.600 tỷ đồng lãi trước thuế năm 2021, mức cao nhất kể từ khi đi vào hoạt động, gấp 4,25 lần con số thực hiện năm 2020; Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau lãi ròng hơn 1.823 tỷ đồng (gấp 2,7 lần năm 2020); Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang ước mức lãi sau thuế kỷ lục 2.400 - 2.500 tỷ đồng (gấp 2,5 lần năm 2020).

Một ngành khác có kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ trong năm qua là cảng biển và vận tải biển. Dịch Covid-19 gây ra sự đứt gãy trong hoạt động logistics, khiến các cảng biển đều quá tải dẫn đến tốc độ giải phóng tàu biển chậm lại, đẩy giá cước vận tải lên cao. Chỉ số BDI (viết tắt của Baltic Dry Index, tạm dịch là “chỉ số thuê tàu hàng khô Baltic”) do Sở Giao dịch Baltic (Anh) công bố hàng ngày để đánh giá mức phí thuê tàu chở nguyên liệu thô tăng liên tục từ đầu năm 2021 từ mức 1.374 điểm lên mức đỉnh 5.647 điểm vào ngày 7/10/2021 - mức cao nhất kể từ năm 2011.

Ngoài hưởng lợi từ giá cước vận tải tăng cao, doanh nghiệp ngành vận tải biển còn được lợi từ tăng trưởng xuất khẩu. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020.

Diễn biến tích cực trên đã giúp nhiều doanh nghiệp vận tải biển “hồi sinh”. Những doanh nghiệp như Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (VOSCO), Công ty CP Vận tải biển Vinaship sau nhiều năm phải thanh lý tài sản, tái cơ cấu nợ để duy trì hoạt động nay đã có lãi lớn từ hoạt động vận tải. Qua đó giúp công ty mẹ là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) báo lãi kỷ lục 3.750 tỷ đồng trong năm 2021, trong khi năm 2020 lỗ 145,3 tỷ đồng.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều quốc gia và doanh nghiệp đã nhanh chóng chuyển hoạt động lên môi trường số. Do vậy, việc phát triển và đẩy mạnh chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết, là giải pháp cho các tổ chức, doanh nghiệp mô hình truyền thống tiếp tục tồn tại, phát triển. Nắm bắt cơ hội này, các doanh nghiệp đầu ngành công nghệ như Công ty CP FPT đã chớp lấy để tạo ra kết quả kinh doanh tích cực.

Qua 11 tháng đầu năm, FPT ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế tăng 20,6% và 19,7% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 31.800 tỷ đồng và 5.850 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu chuyển đổi số tăng tốc đạt mức tăng trưởng ấn tượng 76% nhờ đà tăng từ các công nghệ AI/phân tích dữ liệu, điện toán đám mây và low code (cách thiết kế các ứng dụng phần mềm nhanh với số lượng code tối thiểu). Năm vừa qua cũng chứng kiến nhiều thương vụ “khủng” của FPT trong lĩnh vực chuyển đổi số như: hợp đồng có quy mô 40 triệu USD trong 2 năm, tập trung vào các dự án chuyển đổi số khối Chính phủ nhằm phát triển mô hình quốc gia số - Smart Nation; Dự án hợp tác chuyển đổi số toàn diện cho Tập đoàn Kim Tín trị giá 5 triệu USD và một loạt thỏa thuận hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số cho các địa phương trên cả nước như Bình Định, Lào Cai, Hải Dương, Bình Phước, Phú Yên…

Ngoài một số ít được hưởng lợi trong thời gian dịch bệnh, ngành hàng không, dịch vụ hàng không, du lịch, xây dựng… bị ảnh hưởng lớn nhất từ dịch Covid-19 và khó có thể hồi phục sớm.

Chuyên đề