Chuyện kể tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

(BĐT) - Quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang được triển khai dù chưa thực sự tạo chuyển biến rõ rệt về chất trong quản lý điều hành, quản lý tài chính và cách thức tổ chức của nhiều DN. Nhưng, vẫn có những điểm sáng thành công đáng ghi nhận.
Chuyện kể tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

“Ngọc” trong đá

Hơn 10 năm sau cổ phần hóa (CPH), Công ty CP Tư vấn xây dựng giao thông Lào Cai vẫn giữ trụ sở nguyên trạng; dù quy mô DN, con người đã tăng đến l4 lần. Ông Tạ Cao Tô, Phó giám đốc Công ty dường như đoán được thắc mắc của tôi liền bộc bạch: “Cũng hơi chật chội và quá tải nhưng đơn vị vẫn bố trí, tổ chức sao cho hợp lý nhất. Chúng tôi không đề cao hình ảnh bằng trụ sở khang trang, bề thế, mà dành nguồn vốn cho mục tiêu mở rộng hoạt động và tái sản xuất’’. Điều đó khác hoàn toàn với suy nghĩ trước đây, khi đơn vị còn “ăn bám” hoàn toàn bằng “bình sữa” của Nhà nước.

Cuối năm, bộn bề với công việc nên cũng cần đến dăm ba lần chuyển hẹn tôi mới diện kiến lãnh đạo Công ty. Ông Tạ Cao Tô mới chạm ngưỡng 40 nhưng đã có đến 5 năm giữ cương vị Phó Giám đốc. Ông Tô nhớ lại về những ngày đầu gian khó. Năm 2001, tỉnh Lào Cai bắt đầu sắp xếp lại DNNN, trong đợt đầu hầu hết các DN là giải thể, sáp nhập, DN nào CPH thì lay lắt trong tình trạng “bình mới rượu cũ”. Trước ngưỡng thời gian chuyển đổi mô hình, nhiều cán bộ, công nhân của Công ty có tư tưởng dao động, vì khi đó hoạt động của mô hình công ty cổ phần còn mới. Năm 2003, Công ty chính thức CPH thì khó khăn chồng chất. Một số cán bộ chuyên môn có năng lực khá chưa kịp “thử lửa” đã vội…bỏ đi thành lập công ty tư nhân hoặc về đầu quân cho các đơn vị khác. Do đặc thù lĩnh vực hoạt động của đơn vị nên giá trị DN hầu hết được tính vào trụ sở làm việc nên Công ty rất thiếu vốn tái sản xuất sau khi CPH toàn bộ vốn sở hữu. Tình thế trên đã buộc Hội đồng quản trị, Ban giám đốc Công ty phải có đổi mới triệt để trong tổ chức sản xuất, cơ cấu lại DN.

Tự cứu mình, là vấn đề cấp bách được Công ty CP Tư vấn xây dựng giao thông Lào Cai xác định ngay sau CPH vào năm 2003. Điều mà Phó Giám đốc Tạ Cao Tô nhớ nhất là tại thời điểm đó là Công ty đề cao vai trò nhân lực, coi đó là yếu tố quyết định tới sự phát triển của DN. Bởi vậy mà việc đầu tiên khi đó Công ty làm là có cơ chế giữ chân cán bộ chuyên môn năng lực tốt, tuyển dụng lao động mới có trình độ, kinh nghiệm và sắp xếp vào các vị trí hợp lý nhất. Kết quả là vị thế, uy tín của Công ty đã sớm được cải thiện, doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước, ngành nghề và thị trường kinh doanh được mở rộng. Tiền đề là Công ty chỉ hoạt động trên địa bàn Tỉnh thì đến nay đã có thị phần lớn tại nhiều tỉnh như Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Tuyên Quang, Lạng Sơn… Hiện Công ty có 3 chi nhánh tại các tỉnh Tây Bắc, tổng giá trị sản lượng trong năm 2015 đạt 51 tỷ đồng, thu nhập bình quân của cán bộ, lao động khoảng 7 triệu đồng/tháng.

Công ty hiện đảm nhận khảo sát, thiết kế nhiều công trình giao thông lớn, đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng. Điển hình như Đại lộ Trần Hưng Đạo - Lào Cai; đường nội thị rộng 60m tại thị xã Lai Châu; đường rộng 58m tại Cao Bằng; đường cao tốc  Nội Bài - Lào Cai, đoạn 19 km. 

“Đất hóa vàng”

Câu chuyện DN cổ phần thành công từ “miền núi” Lào Cai đang trong đà phát triển, như vô tình trùng hợp với một Tổng công ty mà tôi đã từng công tác để hiểu về một triết lý kinh doanh đặc biệt. Triết lý ấy, cũng làm lên sự thành công trong quá trình tái cơ cấu, CPH của đơn vị trong năm qua.

Năm đầu tiên hoạt động theo mô hình công ty cổ phần (từ tháng 7/2014), bất chấp tình hình thị trường vật liệu xây dựng và bất động sản còn nhiều biến động, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh chính của Viglacera đều tăng mạnh và vượt cao so với kế hoạch cổ đông giao thực hiện. Vốn điều lệ, doanh thu, lợi nhuận của đơn vị liên tục phát triển. Tổng số vốn điều lệ năm 2012 là 1.050 tỷ đồng và đến năm 2014, vốn điều lệ đã tăng lên 2.645 tỷ đồng. Năm 2015, Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông về phát hành cổ phiếu “đẩy” vốn điều lệ của Viglacera - CTCP tăng lên 3.070 tỷ đồng.

Phó Tổng giám đốc Viglacera Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ, năm CPH đầu tiên, Viglacera tăng doanh thu lên gần 14.500 tỷ đồng, dự kiến chia cổ tức 4% (tăng 0,5% so với kế hoạch).

Từ buổi đầu với 18 DN sản xuất gạch ngói, đất sét nung nhỏ bé, công nghệ sản xuất thủ công, đến nay, Viglacera đã là nhà sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng hàng đầu Việt Nam, là nhà đầu tư uy tín về bất động sản với gần 12.000 lao động và 40 đơn vị thành viên.

Phân tích thất bại của một số DDNN trong quá trình tái cơ cấu, nhiều ý kiến cho rằng, các DNNN đã chưa thực hiện đúng các yêu cầu về tái cơ cấu là định vị đúng vai trò, thu hẹp phạm vi kinh doanh; điều chỉnh lại danh mục đầu tư, ngành nghề kinh doanh, tập trung vào các trọng tâm hoạt động chính… Riêng với Viglacera, để đứng vững trong giai đoạn kinh tế gặp nhiều khó khăn, đơn vị đã nắm vững bí quyết kiên định tiềm năng cốt lõi, không bị cuốn vào “cơn bão đầu tư” đa ngành nghề. 

Với vị thế là DN tiên phong về công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng, liên tục trong hành trình 40 năm, Viglacera giữ vị trí dẫn đường trong sản xuất hầu hết các chủng loại vật liệu: kính xây dựng, sứ vệ sinh và gạch ốp lát ceramic… Các sản phẩm này đều đáp ứng được nhiều phân khúc thị trường, hàng năm đóng góp cho ngành xây dựng 30 triệu USD kim ngạch xuất khẩu.

Bên cạnh sản xuất vật liệu xây dựng,Viglaceracũng sở hữu nhiều khu công nghiệp (KCN) hoạt động hiệu quả. Điển hình là KCN hàng đầu của tỉnh Bắc Ninh, Yên Phong. Đây là KCN thu hút được vốn đầu tư lớn nhất Việt Nam với tổng số vốn đầu tư gần 8 tỷ USD và là một trong những KCN có hiệu quả sử dụng đất/tổng vốn đầu tư cao của cả nước.

Triết lý tái cơ cấu theo chiều sâu cũng được Viglacera thực hiện sắp tới bằng việc thoái toàn bộ vốn ở nhiều công ty như Giấy Tây Đô, Thủy Tinh Gò Vấp, công ty nguyên liệu Viglacera... Điều này, đúng với quy tắc đẩy mạnh việc thoái vốn nhà nước theo cơ chế thị trường ở những ngành không trực tiếp liên quan tới lĩnh vực kinh doanh chính hoặc Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối.

Thành công của Viglacera, không được dệt lên từ những cánh hoa hồng, mà được tạo ra từ chính tâm huyết và vất vả của cả một tập thể. Với Viglacera, vững bước trong quá trình tái cơ cấu, “Văn hóa doanh nghiệp, nguồn nhân lực” luôn được coi trọng. Đây là nền tảng giúp đơn vị vượt qua thử thách khắc nghiệt của thị trường.

Suốt 40 năm phát triển, chủ trương nhất quán vừa đào tạo, vừa xây dựng nguồn lực lao động có kỹ thuật, chuyên sâu, sáng tạo trong từng khâu; cán bộ quản lý giỏi điều hành; đoàn kết tương trợ, giữ lửa đồng nghiệp luôn được các thế hệ lãnh đạo, đội ngũ công nhân Viglacera gìn giữ, phát huy. 

Năm 2016, ngoài việc tiếp tục lộ trình tái cơ cấu và thực hiện các nhiệm vụ Tổng giám đốc Nguyễn Anh Tuấn cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục tập trung phát triển, thu hút nguồn nhân lực trình độ cao nhằm phục vụ những mục tiêu phát triển cao và xa hơn.

Chuyên đề