Huy động vốn tư nhân vào đầu tư công là giải pháp được nhiều địa phương lựa chọn. Ảnh: TG |
Theo một cán bộ Phòng Tổng hợp thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nam Định, từ sau khi Chỉ thị 1792/CT-TTg về việc tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ được ban hành, Tỉnh đã làm rất chặt về phân bổ vốn đầu tư công, khởi công mới rất ít, làm đến đâu quyết toán, thanh toán đến đó rồi mới bố trí vốn cho dự án khác. Tình trạng đầu tư dàn trải gần như không còn, hiệu quả đầu tư công nâng lên. Năm 2016 chỉ khởi công mới 1 dự án, năm 2017 không có dự án khởi công mới. Trong danh mục dự án đã đủ thủ tục khởi công mới từ nguồn ngân sách trung ương trung hạn 2016 - 2020 có 20 dự án. Tuy nhiên, vốn bố trí từ ngân sách trung ương cho giai đoạn này chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu đầu tư của Tỉnh. Vì thế, sẽ khó có thể khởi công mới hết các dự án này.
Bên cạnh đó, ngân sách địa phương năm 2017 của Nam Định cũng khó khăn. Năm 2016 cân đối ngân sách địa phương là 625 tỷ đồng, nhưng đến năm 2017, sau khi trừ đi các khoản vay Ngân hàng Chính sách xã hội, ngân sách địa phương chỉ còn 456 tỷ đồng.
Trong bối cảnh siết giảm vốn đầu tư công, theo cán bộ này, trong các năm tới, Tỉnh vừa làm vừa cân đối, dự án nào có thể dừng ở điểm dừng kỹ thuật mà không ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư thì dừng, còn các dự án quan trọng ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương tiếp tục được đầu tư. Tỉnh cũng chú trọng huy động vốn đầu tư theo các hình thức khác như PPP, ví dụ các dự án nước thải, rác thải, nền đường… Hiện có nhiều nhà đầu tư quan tâm, tuy nhiên, do đây là hình thức mới, chưa có nhiều kinh nghiệm nên việc triển khai trong thực tế tại Nam Định vẫn chưa được như kỳ vọng.
Đối với Khánh Hòa, thông tin từ Sở KH&ĐT Khánh Hòa cho biết, nhu cầu các dự án đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 theo tổng hợp ban đầu khoảng 37 nghìn tỷ đồng, trong đó nhu cầu đầu tư từ vốn ngân sách trung ương khoảng 14 nghìn tỷ đồng. Đến nay, theo thông báo mới nhất, Trung ương chỉ bố trí được khoảng 1.600 tỷ đồng. Vốn cân đối ngân sách địa phương cũng rất khó khăn để đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư.
Trong điều kiện này, Tỉnh phải dừng rất nhiều dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Một trong những giải pháp được Tỉnh đưa ra là chuyển hướng huy động vốn theo hình thức BT. Ví dụ, Dự án Trục đường Bắc - Nam Khu trung tâm hành chính tỉnh có tổng mức đầu tư dự kiến trên 2.100 tỷ đồng, ban đầu Tỉnh dự kiến bố trí từ nguồn vốn đầu tư trung hạn 2016 - 2020. Nhưng đến nay không có vốn, Tỉnh có kế hoạch kêu gọi đầu tư dự án này theo hình thức BT. Nhiều dự án khác trong diện đầu tư từ vốn đầu tư công, nay cũng đang xem xét chuyển đổi hình thức đầu tư. Một nguồn tin cho biết, tổng vốn đầu tư của các dự án chuyển đổi sang kêu gọi theo hình thức BT vào khoảng 30.000 tỷ đồng.
Việc dừng, giãn, hoãn tiến độ nhiều dự án chắc chắn sẽ có những tác động nhất định, thế nhưng, theo nhiều địa phương, đây là việc không thể không làm khi nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, và phải giải quyết hệ lụy để lại từ tình trạng đầu tư dàn trải trong nhiều năm trước. Chịu “đau” trong lúc này là để chữa dứt điểm căn bệnh trầm kha của đầu tư công.