Chủ đầu tư nghiêm túc, đố nhà thầu làm sai!

(BĐT) - Đấu thầu hình thức làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính cạnh tranh, công bằng, hiệu quả trong đấu thầu...
Ảnh chỉ mang tính minh họa.
Ảnh chỉ mang tính minh họa.

Yêu cầu bức thiết loại bỏ đấu thầu hình thức lại được đặt ra khi nghi vấn về sai phạm của chủ đầu tư và nhà thầu trong quá trình thực hiện gói thầu mua sắm thiết bị dạy nghề tại Trường Trung cấp nghề Hưng Yên đang được Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu làm rõ. 

Nhiều dấu hiệu của đấu thầu hình thức

Câu chuyện chủ đầu tư/bên mời thầu gây khó dễ cho nhà thầu trong việc tiếp cận hồ sơ mời thầu (HSMT), HSMT “cài cắm” điều kiện để chọn nhà thầu “ruột” không còn là chuyện mới, nhưng vẫn chưa được khắc phục một cách có hiệu quả. Thời gian gần đây, một số nhà thầu bị cướp hồ sơ dự thầu (HSDT) ngay trước cổng trụ sở cơ quan của chủ đầu tư/bên mời thầu đã khiến dư luận bức xúc và đặt nghi vấn “liệu có sự tiếp tay của chủ đầu tư/bên mời thầu/tư vấn đấu thầu?”.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, giám đốc một doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chuyên sản xuất các sản phẩm cơ khí có địa chỉ trên địa bàn TP.HCM cho biết, hầu như các DNNVV không có “cửa” vào các gói thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước, trừ phi họ có mối quan hệ đặc biệt với chủ đầu tư/bên mời thầu hay tư vấn đấu thầu. Tháng 8/2016, Công ty CP Tư vấn xây dựng thủy lợi II – nhà thầu có tiếng trong lĩnh vực tư vấn - đã tuột mất một cơ hội kinh doanh khi không thể mua được HSMT gói thầu tư vấn được lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước ngay tại Thủ đô.

Tuần qua (18/11), Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo cơ quan công an kiểm tra, xác minh, làm rõ phản ánh về sai phạm tại Trường Trung cấp nghề Hưng Yên. Theo phản ánh, trong quá trình thực hiện mua sắm thiết bị dạy nghề bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) việc làm và dạy nghề, đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể, ngay sau khi ký hợp đồng với các liên danh nhà thầu, ngày 31/12/2011, Trường Trung cấp nghề Hưng Yên đã ký các biên bản bàn giao, nghiệm thu thiết bị và biên bản thanh lý hợp đồng gói thầu, đồng thời tiến hành các thủ tục thanh toán tiền, trong khi chưa nhận được thiết bị. Chủ đầu tư và các nhà thầu đã làm khống các thủ tục, chứng từ để rút tiền từ Kho bạc Nhà nước tỉnh Hưng Yên, dẫn đến tình trạng sau khi nhận hết số tiền hơn 3 tỷ đồng, liên danh nhà thầu đã “cao chạy xa bay”. 

Cần chế tài mạnh

Một số chủ đầu tư chưa làm hết trách nhiệm mà thường giao phó cho tư vấn đấu thầu, trong khi đó, đội ngũ chuyên gia về đấu thầu của rất nhiều đơn vị tư vấn chưa có đủ năng lực chuyên môn, chưa đáp ứng được yêu cầu cũng như còn nhiều vấn đề về đạo đức hành nghề trong quá trình lựa chọn nhà thầu, do vậy hiệu quả một số cuộc thầu không cao
Đề cập về nguồn cơn của đấu thầu hình thức, ông Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam quả quyết: “Đấu thầu hình thức thì mọi việc phải bắt đầu từ chủ đầu tư. Nếu chủ đầu tư nghiêm túc, đố nhà thầu dám làm sai!”. Ông Cận cho rằng: “Cho đến nay, chế tài của pháp luật còn đang ở tình trạng bênh các chủ đầu tư nhiều hơn là bênh các nhà thầu. Dường như, trong một chừng mực nào đó, các chế tài đối với các chủ đầu tư thường nhẹ hơn các nhà thầu. Có thể đây là một nguyên nhân dẫn đến việc chủ đầu tư/bên mời thầu chưa nghiêm túc”.

Chuyên gia về đấu thầu Nguyễn Xuân Đào, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhìn nhận, trong câu chuyện đấu thầu hình thức thì “tội chính là tội của chủ đầu tư/bên mời thầu, vì họ là người đứng ra tổ chức cuộc thi nhưng lại vi phạm quy định. Đáng tiếc là lâu nay chúng ta chưa nghe, chưa thấy có địa phương nào xử lý mạnh việc chủ đầu tư/bên mời thầu thông đồng với nhà thầu”.

Từ thực trạng nêu trên, nhiều chuyên gia đấu thầu cho rằng, loại bỏ đấu thầu hình thức là yêu cầu cấp thiết, nhưng đây là chuyện không dễ dàng. Để làm việc này, ông Cận cho rằng, cần có bước đánh giá lại hệ thống pháp luật hiện hành để xem xét lại thiết chế chủ đầu tư hiện đã đủ mạnh hay chưa. Khi chủ đầu tư/bên mời thầu còn “móc ngoặc, đồng lõa với nhà thầu” để đấu thầu hình thức thì chứng tỏ chế tài chưa đủ mạnh hoặc còn bị xem nhẹ. Theo vị đại diện này của Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, chủ đầu tư là người dựng dự án, đề xuất kế hoạch lựa chọn nhà thầu, điều chỉnh giá gói thầu… Trường hợp gói thầu/dự án có sai phạm thì trước tiên phải truy trách nhiệm của chủ đầu tư, khi chủ đầu tư làm hết trách nhiệm mà vẫn xảy ra lỗi thì lúc đó mới truy đến trách nhiệm của nhà thầu. Như vậy mới đảm bảo được tính công bằng trong đấu thầu.

Một chuyên gia thuộc Viện Kinh tế xây dựng nêu quan điểm, việc chủ đầu tư/bên mời thầu dàn xếp, sắp đặt, thông đồng với nhà thầu hoặc để nhà thầu thông đồng với nhau trong hoạt động đấu thầu cần được xử lý nghiêm. “Họ là người tổ chức cuộc thi mà vi phạm lại không bị xử lý, chỉ xử lý mấy ông nhà thầu thì không giải quyết được gì”, vị này nêu quan điểm.

Quan ngại hơn, một số chủ đầu tư chưa làm hết trách nhiệm mà thường giao phó cho tư vấn đấu thầu, trong khi đó, đội ngũ chuyên gia về đấu thầu của rất nhiều đơn vị tư vấn chưa có đủ năng lực chuyên môn, chưa đáp ứng được yêu cầu cũng như còn nhiều vấn đề về đạo đức hành nghề trong quá trình lựa chọn nhà thầu, do vậy hiệu quả một số cuộc thầu không cao.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư