Để ngăn chặn những mặt trái của hình thức chỉ định thầu, các chuyên gia cho rằng, cần có cơ chế giám sát đặc biệt đối với khâu lập và thẩm định giá dự toán của những gói thầu liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Từ đầu năm đến nay, trung tâm kiểm soát bệnh tật tại các địa phương trên cả nước đã công bố kết quả lựa chọn nhà thầu cho 293 gói thầu liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Nội dung các gói thầu được chỉ định gồm: Mua bộ kít, hóa chất, vật tư cho máy tách chiết RNA của vi rút phục vụ công tác xét nghiệm phòng, chống dịch; Mua môi trường vận chuyển vi rút hô hấp phục vụ công tác xét nghiệm phòng, chống dịch; Mua hóa chất chuyên dụng khử trùng trên máy bay phục vụ phòng, chống dịch Covid-19;… Một số gói thầu khác cũng được chỉ định thầu để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 như: Thiết kế và in ấn các thông điệp truyền thông dành cho người cách ly tập trung và thành viên trong hộ gia đình, nơi lưu trú phòng chống dịch Covid-19; Cung cấp, thi công, lắp đặt nội thất văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh Covid-19…
Việc chỉ định thầu các gói thầu này cũng là điều dễ hiểu bởi lý do “cấp bách” trong hoàn cảnh “đặc biệt”. Hay việc các gói thầu này được chỉ định thầu nguyên giá có lẽ cũng không phải là câu chuyện gì to tát nếu giá gói thầu được lập một cách chính xác, công bằng và minh bạch trên cơ sở quy định của pháp luật. Tuy nhiên, câu chuyện sai phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại CDC Hà Nội khiến 7 đối tượng liên quan bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố và bắt tạm giam vào tháng 4/2020 là hồi chuông cảnh tỉnh cho các đơn vị thực hiện chỉ định thầu.
Theo Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Chủ tịch HĐQT DVL Group, cơ chế chỉ định thầu đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân được giao nhiệm vụ nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm có thể dễ dàng trục lợi bất chính bằng việc thông đồng, móc ngoặc để nâng giá thiết bị, vật tư, hàng hóa cao hơn nhiều lần so với giá thị trường. Hình thức chỉ định thầu đã tạo điều kiện cho các bị can trong vụ án CDC Hà Nội thực hiện hành vi vi phạm do không có sự cạnh tranh, chỉ một người mua và một người bán, thủ tục đơn giản. Với cơ chế chỉ định thầu, nếu các bên không thực hiện đúng tinh thần trách nhiệm và đạo đức thì rất dễ xảy ra tiêu cực.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận xét, mục tiêu của chỉ định thầu là đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp thiết, cấp bách, giúp cho các cơ quan như bộ, ngành, Chính phủ kịp thời lựa chọn được nhà thầu cung cấp dịch vụ cần thiết. Tuy nhiên, chỉ định thầu cũng dễ bộc lộ mặt trái nếu các cá nhân được giao nhiệm vụ thực hiện không đủ phẩm chất đạo đức cũng như năng lực chuyên môn.
Theo ông Tăng, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, rất nhiều gói thầu thuộc các lĩnh vực khác nhau có xu hướng sẽ được chỉ định thầu. Thời gian qua, nhiều gói thầu trong lĩnh vực y tế được chỉ định thầu nguyên giá nên khâu lập và thẩm định giá dự toán gói thầu cần chính xác và sát với giá thị trường mới không gây thất thoát tài sản nhà nước.
Ông Tăng cho biết, trong câu chuyện sai phạm tại CDC Hà Nội, rõ ràng để “mua đắt” hệ thống xét nghiệm Realtime PCR cao gấp 3 lần giá thị trường thì có sự tiếp tay, thông đồng và móc ngoặc của bộ phận cán bộ lập giá gói thầu, bộ phận thẩm định và phê duyệt giá dự toán gói thầu. Để kịp thời ngăn chặn và phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật của những kẻ lợi dụng cơ chế chỉ định thầu liên quan đến phòng, chống Covid-19, các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhà nước, người có thẩm quyền cần phải có cơ chế giám sát đặc biệt đối với việc lập và thẩm định dự toán gói thầu, có chế tài xử lý đặc biệt và đủ mạnh đối với những hành vi vi phạm, trục lợi bất chính trong bối cảnh cả nước đang phải gồng mình chống dịch.