Chi hơn 80 tỷ đồng phòng chống dịch Covid-19, Quảng Nam mua sắm ra sao?

(BĐT) - Từ đầu năm 2020 đến nay, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt hơn 80 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế tiêu hao, hóa chất phục vụ phòng, chống bệnh dịch Covid-19 theo hình thức chỉ định thầu rút gọn, trong đó có hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động đang được dư luận chú ý.
Chi hơn 80 tỷ đồng phòng chống dịch Covid-19, Quảng Nam mua sắm ra sao?

Theo số liệu thống kê của Báo Đấu thầu, từ tháng 2/2020, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam bắt đầu phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu (LCNT) các dự án mua sắm vật tư hóa chất, trang thiết bị y tế để phục vụ phòng, chống bệnh dịch Covid-19. Tính đến ngày 28/4/2020, 5 dự án đã được phê duyệt với tổng mức đầu tư là 80,093 tỷ đồng, được chia thành 6 gói thầu. Nguồn vốn thực hiện từ nguồn hỗ trợ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các doanh nghiệp; dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 giao cho Sở Y tế; nguồn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2020.

Trong đó, Dự án Mua sắm hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động có tổng mức đầu tư là 7,56 tỷ đồng, nhà thầu được chỉ định là Công ty CP Thương mại và Đầu tư Giải pháp Việt với giá trúng thầu là 7,23 tỷ đồng (đã bao gồm thuế, phí các loại). Thời gian thực hiện là 10 ngày, loại hợp đồng trọn gói và địa điểm bàn giao thiết bị là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam. Kết quả LCNT được Sở Y tế Tỉnh công bố ngày 30/3/2020 không có thông tin về chủng loại máy trúng thầu cũng như nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Theo tìm hiểu, đây là hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động, gồm: máy tách chiết DNA/RNA tự động và máy chia mẫu tự động (do hãng Qiagen sản xuất, xuất xứ Đức); máy Realtime PCR (do hãng Qiagen sản xuất, xuất xứ Malaysia) và một số thiết bị phụ trợ. Hệ thống máy xét nghiệm này cùng một hãng sản xuất với loại được Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội chỉ định cho Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam đang bị khởi tố vì tội nâng khống giá thiết bị y tế, chỉ khác về xuất xứ (Malaysia và Thụy Sỹ).

Trước đó, ngày 24/3/2020, UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định phê duyệt phân bổ dự toán ngân sách nhà nước và phê duyệt kế hoạch LCNT của Dự án. Kết quả LCNT được phê duyệt trên cơ sở đề nghị của Hội đồng xây dựng kế hoạch hậu cần, đấu thầu mua sắm bổ sung thuốc, vật tư hóa chất, trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona.

Đối với các dự án còn lại, dự án có mức đầu tư lớn nhất là Dự án Mua sắm trang thiết bị, thuốc, vật tư, hóa chất phục vụ phòng, chống bệnh dịch Covid-19 với tổng mức đầu tư là 66,872 tỷ đồng. Dự án được chia làm 2 gói thầu, gồm: Gói thầu Mua sắm bổ sung trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống, dịch bệnh Covid-19 (giá gói thầu là 55,548 tỷ đồng) và Gói thầu Mua sắm bổ sung thuốc, vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (11,324 tỷ đồng). Đến nay, mới có 1 gói thầu được công bố kết quả LCNT là Gói thầu Mua sắm bổ sung trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống, dịch bệnh Covid-19 với 5 nhà thầu được chỉ định thầu.

Theo đó, Công ty TNHH Thiết bị vật tư y tế Việt Nam trúng thầu Máy X-quang di động (hãng Fujifilm Corporation, xuất xứ Nhật Bản) với giá trúng thầu là 14,4 tỷ đồng.

Công ty TNHH Thiết bị y tế Bình Minh trúng thầu Hệ thống ECMO (SP-200, hãng Terumo, xuất xứ Nhật Bản, đơn giá 3,45 tỷ đồng/hệ thống), máy lọc máu liên tục (Prismaflex, hãng Gambro, xuất xứ Thụy Điển, đơn giá 1,65 tỷ đồng/bộ), máy đo khí máu (300G, hãng Flextronics Manufacturing Pte. Ltd, xuất xứ Singapore, đơn giá là 550 triệu đồng/cái), máy đo thân nhiệt không tiếp xúc (IR 210, hãng Microlifc, xuất xứ Trung Quốc, đơn giá là 1,3 triệu đồng) với giá trúng thầu là 13,565 tỷ đồng.

Công ty CP Công nghệ và Thiết bị Thắng Lợi trúng thầu máy thở chức năng cao (Carescape R860, hãng GE Healthcare - Datex Ohmeda, xuất xứ Mỹ, đơn giá là 960 triệu đồng/cái) với giá trúng thầu là 6,72 tỷ đồng.

Công ty CP Dược thiết bị y tế Đà Nẵng trúng thầu máy theo dõi bệnh nhân >5 thông số (BSM-3562, hãng Nihon Kohden, xuất xứ Nhật Bản, đơn giá 260 triệu đồng/cái) và máy siêu âm doppler màu >3 thông số (F37, hãng Hitachi Aloka Medical, xuất xứ Nhật Bản, đơn giá 1,175 tỷ đồng/cái) với giá trúng thầu là 6,375 tỷ đồng.

Công ty TNHH Y tế Việt Tiến trúng thầu máy thở xách tay kèm van PEEP 2 bộ dây (ASTRAL 150, hãng ResMed, xuất xứ Úc, đơn giá 365 triệu đồng/cái), bơm tiêm điện (Perfusor Compact Plus, hãng B.Braun Melsugen AG, xuất xứ Đức, đơn giá 41 triệu đồng/cái), máy truyền dịch (Infusomat P, hãng B.Braun Melsugen AG, xuất xứ Đức, đơn giá 43 triệu đồng/cái) với giá trúng thầu là 12,96 tỷ đồng.

Tiếp đó là Dự án Mua sắm vật tư tiêu hao phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (2,791 tỷ đồng). Theo yêu cầu, các mặt hàng mua sắm bao gồm 321.000 khẩu trang vải kháng khuẩn 2 lớp (đơn giá 7.000 đồng/chiếc), 3.000 bình nước rửa tay sát khuẩn 500 ml (đơn giá 160.000 đồng/bình), 1.000 lọ gel rửa tay sát khuẩn 100ml (đơn giá 43.000 đồng/lọ). Tổng công ty CP Dệt may Hòa Thọ là nhà thầu duy nhất được chỉ định, tuy nhiên nhà thầu này chỉ trúng thầu 1 mặt hàng khẩu trang vải 2 lớp kháng khuẩn sử dụng được 30 lần giặt là 2,268 tỷ đồng (đơn giá 7.000 đồng/chiếc).

Về Dự án Mua sắm Hệ thống đo nhiệt độ cơ thể từ xa bằng camera ảnh nhiệt hồng ngoại (1,67 tỷ đồng), Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nguyên Đô được chỉ định với giá trúng thầu là 1,63 tỷ đồng. Hệ thống này có ký hiệu là A300 Series, do hãng Flir Systems AB sản xuất, xuất xứ Thụy Điển. Địa điểm bàn giao thiết bị là Sân bay Chu Lai.

Còn Dự án Mua sắm vật tư y tế tiêu hao phục vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (trang phục phòng hộ chống dịch, 1,2 tỷ đồng) được chỉ định cho Công ty TNHH Hóa chất và Thiết bị y tế Nguyên Đại Hưng. Giá trúng thầu không thay đổi so với giá gói thầu. Đơn giá đối với 6.000 bộ là 200.000 đồng/bộ. Theo yêu cầu, một bộ trang phục phòng hộ bao gồm: 1 bộ mũ liền áo liền quần có dây kéo từ quần lên tới giáp mũ và 2 cái bao giày; 1 khẩu trang y tế 3 lớp; 1 kính bảo hộ; 1 tấm chắn bảo hộ; 1 đôi găng tay tiệt trùng 6.5.

Chuyên đề