Chặn tín dụng “sân sau”, khó vẫn phải làm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, một trong những yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ đặt ra với ngành ngân hàng là xử lý nghiêm các sai phạm về sở hữu chéo, cho vay sân sau, cho vay theo lợi ích nhóm. Nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện được yêu cầu này, giải pháp hiệu quả nhất là đẩy mạnh vai trò thanh tra, giám sát của các cơ quan chức năng và xử lý nghiêm các sai phạm.
Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) dự kiến giảm tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ ngân hàng để ngăn chặn sở hữu chéo, thao túng trong hệ thống ngân hàng. Ảnh: Nhã Chi
Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) dự kiến giảm tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ ngân hàng để ngăn chặn sở hữu chéo, thao túng trong hệ thống ngân hàng. Ảnh: Nhã Chi

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 527/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu tăng cường mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hệ thống các tổ chức tín dụng, kịp thời cảnh báo, phát hiện sớm rủi ro và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Khẩn trương thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm theo quy định đối với tình trạng sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng, việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái, doanh nghiệp sân sau, việc tư vấn, giới thiệu khách hàng đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành, việc tư vấn, bán bảo hiểm tại các tổ chức tín dụng, hoàn thành trong tháng 1/2024.

Thủ tướng cũng yêu cầu chấm dứt tình trạng cho vay tập trung vào một số doanh nghiệp, dự án thuộc hệ sinh thái hoặc thuộc sân sau của tập đoàn. Đẩy mạnh thanh tra, nghiêm cấm việc cấp tín dụng, lãi suất thấp cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan, lợi ích nhóm của các ngân hàng thương mại.

Liên quan đến nội dung này, Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) dự kiến giảm tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ ngân hàng của một cá nhân từ mức 5% xuống còn 3%. Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (hiện tại là 15%), trừ ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt hoặc sở hữu của Nhà nước tại ngân hàng. Tỷ lệ sở hữu tối đa của nhóm cổ đông và người liên quan cũng được đề xuất giảm từ 20% xuống 15%.

Dư nợ cấp tín dụng tối đa đối với một khách hàng dự kiến giảm từ mức 15% như hiện hành xuống còn 10% tính trên vốn tự có của ngân hàng. Tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại (hiện tại là 25%).

Về nội dung này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nêu rõ quan điểm cần tăng cường các giải pháp để giải quyết tình trạng sở hữu chéo, thao túng trong hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, các giới hạn về tỷ lệ nắm giữ cổ phần ở ngân hàng vẫn có thể bị “lách”. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành ngân hàng, các bộ, ngành, địa phương, cũng như cần có hệ thống thông tin về doanh nghiệp, cá nhân thực sự minh bạch. Việc minh bạch sẽ giúp xác thực được rõ mối quan hệ sở hữu trong ngân hàng, giữa người đi vay với những người có liên quan. Đây là điều NHNN sẽ nghiên cứu và có quy định cụ thể. Hiện tại, theo Thống đốc NHNN, Dự thảo Luật cũng quy định rõ là cổ đông sở hữu cổ phần trên 1% của một ngân hàng phải công bố công khai các thông tin để thực hiện giám sát.

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) quy định cổ đông sở hữu cổ phần trên 1% của một ngân hàng phải công bố công khai các thông tin để thực hiện giám sát. Ảnh: Thiên Nam

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) quy định cổ đông sở hữu cổ phần trên 1% của một ngân hàng phải công bố công khai các thông tin để thực hiện giám sát. Ảnh: Thiên Nam

TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, tình trạng cho vay sân sau và thao túng trong ngân hàng đã gây hậu quả rất nghiêm trọng trong thời gian qua. Đặc biệt, trong lúc nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng, việc dòng vốn này đổ vào những kênh đầu cơ vừa gây rủi ro cho hệ thống ngân hàng, vừa thu hẹp nguồn lực tài chính cho các doanh nghiệp kinh doanh tích cực. Do đó, chỉ đạo của Thủ tướng về việc xử lý các sai phạm trong cho vay sân sau là phù hợp để khơi thông nguồn tín dụng và cần thiết để xây dựng và phát triển hệ thống tổ chức tín dụng lành mạnh và bền vững.

Tuy nhiên, theo ông Thịnh, việc phát hiện và xử lý các hành vi cho vay “sân sau” là rất khó khăn. Đơn cử việc thao túng xảy ra tại Ngân hàng SCB, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát chỉ đạo thành lập nhiều công ty “ma”, thuê hàng trăm người đứng tên lập khống hồ sơ hơn 1.000 khoản vay. Sai phạm này diễn ra trong thời gian dài mà không được phát hiện cho thấy, vẫn có nhiều thủ đoạn tinh vi để “lách” các quy định và cơ chế giám sát hiện hành.

Do đó, ông Thịnh cho rằng, bên cạnh việc củng cố các quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu và cho vay, cần tăng cường cơ sở pháp lý về giám sát hoạt động cho vay trong ngân hàng. Đồng thời, tăng chế tài xử phạt với các sai phạm.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, việc khống chế tỷ lệ sở hữu vốn tại ngân hàng không giải quyết triệt để được những rủi ro và hậu quả nghiêm trọng từ việc cho vay sai nguyên tắc. Bên cạnh đó, vấn đề lớn nhất trong sở hữu ngân hàng hiện nay là tình trạng “đầu tư núp bóng”. Đây là nguyên nhân khiến sở hữu chéo khó nhận diện.

Vì vậy, theo ông Đức, việc giới hạn tỷ lệ sở hữu của cổ đông không quan trọng bằng việc phải công khai, minh bạch tỷ lệ sở hữu thực của các cổ đông lớn và người có liên quan, bên cạnh hệ thống chế tài xử phạt mạnh nếu vi phạm. Hiện nay, lực lượng thanh tra, giám sát của ngân hàng không được phép yêu cầu các cá nhân không liên quan đến tổ chức tín dụng cung cấp thông tin nên rất khó nắm bắt thực tế. Trong khi đó các cá nhân không liên quan chỉ là trên giấy tờ, còn bản chất có thể đang đứng tên các khoản đầu tư của cùng một ông chủ.

“Để chống sở hữu chéo, cần phải tăng cường vai trò của lực lượng thanh tra và giám sát của NHNN, có thể tính đến việc cho phép cơ quan này được điều tra, thậm chí điều tra hình sự một phần”, ông Đức nhấn mạnh.

Chuyên đề