Giá xăng dầu, thực phẩm khiến CPI tháng 5 tăng mạnh. Ảnh: Lê Tiên |
Giá xăng dầu đẩy CPI tháng 5 tăng cao
Tháng 5/2016, CPI có mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua và 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ chính trong rổ hàng hóa đều đồng loạt tăng. Cụ thể, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất ở mức 2,39%, thứ hai là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,88%, đứng thứ ba là nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,56%. 8 nhóm hàng còn lại có mức tăng nhẹ, như: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,36%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,34%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,11%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09%...
Phân tích các nguyên nhân làm tăng CPI tháng 5, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho biết, chỉ số giá nhóm lương thực tăng 0,68% và tăng ở hai kỳ đầu của tháng do thương lái thu gom lúa gạo thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký và tác động của khô hạn, xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, chỉ số nhóm thực phẩm tăng 0,38% chủ yếu tăng ở nhóm hàng các loại thịt sau khi xảy ra hiện tượng cá chết tại các tỉnh miền Trung và thương lái thu gom lợn hơi để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Đặc biệt, theo bà Ngọc, chỉ số giá nhóm giao thông tháng 5 tăng mạnh do giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng vào ngày 20/4/2016 và ngày 5/5/2016. Cùng với đó là giá dịch vụ bảo hiểm y tế tăng 4,72% do từ 1/5/2016, Nhà nước thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.150.000đồng/tháng lên 1.210.000đồng/tháng. Đây là những nguyên nhân chính khiến CPI tháng 5 tăng khá cao.
Mục tiêu kiểm soát lạm phát vẫn đạt
Ngoài ra, rất có khả năng các mặt hàng chính yếu sẽ tăng giá mạnh trở lại như gạo, sắt thép, xăng dầu; nhu cầu vốn cho nền kinh tế tăng sẽ gây áp lực tăng lãi suất dẫn tới tăng giá hàng hóa và dịch vụ. Trong bối cảnh các yếu tố này cùng tác động sẽ khiến CPI có khả năng tăng cao từ nay tới cuối năm. Tuy nhiên, mức tăng bình quân của CPI cả năm nay so với năm 2015 vẫn đảm bảo được kiểm soát ở mức trần 5%.
Cũng đưa ra cảnh báo CPI có khả năng tăng cao từ nay tới cuối năm, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định sẽ có 2 kịch bản tăng CPI. “Về mặt bằng giá, chúng tôi dự báo tốc độ lạm phát chung cho cả năm 2016 sẽ ở quanh mức 5%. Trong kịch bản thận trọng, lạm phát vào khoảng 4,2%. Tuy nhiên, chúng tôi không loại trừ khả năng lạm phát 2016 sẽ vượt qua mức mục tiêu 5% của Chính phủ” - ông Thành nhận định.
Theo Viện trưởng VEPR, niềm tin đang có dấu hiệu được cải thiện nhưng xu hướng lạm phát tăng lên có thể làm giảm niềm tin này. Ông Thành cho rằng, nếu nhìn ở góc độ kỹ thuật thì lạm phát tăng từ 4 - 5% cũng không phải là quá cao, song nếu với xu hướng tăng liên tục trong một thời gian thì sẽ có thể làm dấy lên những quan ngại về việc lạm phát sẽ rơi vào chu kỳ tăng cao liên tục trở lại. Hệ quả đáng lo ngại là mặt bằng lãi suất huy động - cho vay nhiều khả năng sẽ chịu áp lực lớn nếu lạm phát tăng lên trong năm 2016. Vì vậy, ông Thành khuyến nghị, cần sớm dỡ bỏ trần lãi suất huy động, hoặc chỉ áp dụng trần lãi suất với các kỳ hạn huy động rất ngắn (dưới 1 tháng) để thị trường có thể linh hoạt tự điều chỉnh, cân đối cung cầu về vốn, tránh dẫn tới những tác động tiêu cực từ gia tăng lạm phát.