Việc chậm quyết toán là do các hợp đồng ký trước khi Nghị định 15 có hiệu lực không yêu cầu thời hạn hoàn thành quyết toán đối với các dự án BOT. Ảnh: Lê Tiên |
Khó kiểm soát giá thành với dự án BOT
Theo Nghị định 15, đối với các dự án thực hiện theo hình thức BOT, BT, trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày hoàn thành dự án, nhà đầu tư thực hiện quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình.
Trong một báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Tài chính chỉ ra thực tế, nhiều dự án BOT đã hoàn thành, đưa vào vận hành song chưa thực hiện quyết toán giá trị công trình hoàn thành cũng như quyết toán chi phí vận hành và doanh thu hàng năm của các dự án BOT để làm căn cứ điều chỉnh lại phương án tài chính của dự án theo quy định của Nhà nước; quy định tại các hợp đồng BOT chưa được thực hiện nghiêm túc.
Theo số liệu của Bộ Giao thông vân tải (GTVT) tại Báo cáo gửi Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/3, đến nay, trong số 53 dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác, Bộ GTVT đã quyết toán 32 dự án (có 7 dự án thẩm tra theo hạng mục), đang thẩm tra quyết toán 16 dự án, nhà đầu tư đang hoàn chỉnh hồ sơ 5 dự án. Đối với các dự án đã quyết toán, Bộ GTVT đã điều chỉnh hợp đồng 17 dự án.
Bộ GTVT cho biết, việc chậm quyết toán là do các hợp đồng ký trước đây (trước khi Nghị định 15 có hiệu lực) theo quy định pháp luật không yêu cầu thời hạn hoàn thành quyết toán đối với các dự án BOT; năng lực thực hiện công tác quyết toán của các chủ đầu tư yếu và thiếu trách nhiệm.
Ngoài ra, Bộ GTVT cho rằng, các cơ chế, chính sách trong quá trình quyết toán có nhiều vấn đề, không có hướng dẫn cụ thể, thiếu chế tài xử lý cũng là nguyên nhân khiến công tác quyết toán chậm trễ, khó thực hiện. Bộ GTVT kiến nghị Bộ Tài chính sớm ban hành các thông tư hoặc văn bản hướng dẫn về quyết toán chi phí đầu tư xây dựng công trình, quyết toán hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Cũng theo Bộ GTVT, với các dự án BOT thực hiện trước khi Nghị định 15 có hiệu lực, về công tác quyết toán, thẩm quyền của cơ quan nhà nước chỉ dừng lại mức thỏa thuận về đơn vị tư vấn kiểm toán các dự án BOT nên việc kiểm soát giá thành rất khó khăn.
Kiến nghị quyết toán hợp đồng hàng năm
Tuy nhiên, hợp đồng BOT được ký kết bởi nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật Dân sự. Theo đó, các bên có quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện theo các điều khoản của hợp đồng BOT. Do hợp đồng BOT thường kéo dài, việc quyết toán hợp đồng chỉ thực hiện khi kết thúc dự án làm cơ sở để các bên thanh lý hợp đồng BOT. Trong quá trình khai thác, vận hành dự án, hàng năm cơ quan nhà nước có thẩm quyền (CQNNCTQ) và nhà đầu tư thực hiện quyết toán các khoản thu chi thực tế để đối chiếu với phương án tài chính đã thống nhất tại hợp đồng BOT. Trường hợp các yếu tố quy định trong hợp đồng BOT thay đổi ảnh hưởng tới phương án tài chính của dự án, CQNNCTQ và nhà đầu tư căn cứ các quy định tại hợp đồng BOT để điều chỉnh về thời gian thu phí, mức phí… phù hợp với các điều khoản quy định tại hợp đồng BOT và các quy định của pháp luật có liên quan. Đây là nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng BOT.
Bộ Tài chính kiến nghị Bộ GTVT giám sát chặt chẽ, hiệu quả quá trình thực hiện hợp đồng dự án BOT và trong giai đoạn dự án đi vào vận hành; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát hoạt động thu phí tại các trạm BOT; thực hiện nghiêm túc công tác quyết toán thu - chi hàng năm của dự án BOT đang vận hành để điều chỉnh phương án tài chính và hợp đồng dự án BOT.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng khuyến nghị Bộ GTVT cần phải công bố công khai, minh bạch phương án tài chính của các dự án BOT. Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, hoàn thiện chính sách về quyết toán công trình dự án hoàn thành.