Cân nhắc gói kích thích kinh tế tiếp theo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Có thể chấp nhận tăng bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) và nợ công để tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế là điều được tính đến trong giai đoạn hiện nay.
Mục tiêu của gói kích thích kinh tế mới là có thêm nguồn lực
hỗ trợ doanh nghiệp, bảo vệ năng lực sản xuất trong những ngành, lĩnh vực trọng
yếu. Ảnh: Lê Tiên
Mục tiêu của gói kích thích kinh tế mới là có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, bảo vệ năng lực sản xuất trong những ngành, lĩnh vực trọng yếu. Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, cân đối giữa tăng chi đầu tư công, giảm mạnh thuế nội địa và hỗ trợ an sinh xã hội là bài toán cần cân nhắc thận trọng về liều lượng để đạt hiệu quả tốt nhất.

Tại cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia mới đây, nhiều ý kiến đề xuất cần tính đến chính sách kích thích kinh tế mới để thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong giai đoạn tiếp theo với chủ trương tăng thêm bội chi NSNN, nợ công khoảng 3 - 4% GDP trong năm 2020 và đầu năm 2021. Mục tiêu của gói kích thích kinh tế mới là có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, bảo vệ năng lực sản xuất trong những ngành, lĩnh vực trọng yếu.

Đề xuất này được nêu ra trên cơ sở dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ của Việt Nam được cho là còn khá lớn với bội chi NSNN và nợ công vẫn ở mức an toàn.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, với diễn biến kinh tế hiện nay, có 2 kịch bản về nợ công và bội chi NSNN tương ứng với tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Ở kịch bản thứ nhất, nếu tăng trưởng GDP khoảng 4,5%, bội chi NSNN khoảng 4,73% GDP, tương ứng tăng 75 nghìn tỷ đồng so với dự toán đầu năm; nợ công khoảng 55,5% GDP. Còn theo kịch bản thứ hai, tăng trưởng GDP khoảng 3,6%, bội chi NSNN khoảng 5,02% GDP, tương ứng tăng 90 nghìn tỷ đồng so với dự toán đầu năm; nợ công khoảng 56,4% GDP. Với cả 2 kịch bản này, dự kiến bội chi NSNN bình quân 5 năm vẫn nhỏ hơn 3,9% GDP, nợ công khoảng 55% GDP.

Về tiền tệ, mặt bằng lãi suất đang có xu hướng giảm. Theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động cao nhất ở mức 7,3%/năm, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6 - 9%/năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn ở mức 9 - 11%/năm, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế trong nửa đầu năm nay đạt 3,26%, chỉ tương đương một nửa mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2019 và là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất từ năm 2016 đến nay.

Nêu quan điểm về đề xuất có thêm gói kích thích kinh tế đồng thời chấp nhận tăng bội chi NSNN và nợ công, ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI) cho rằng, có hai hướng để thực hiện. Một là, tăng chi tiêu công qua đầu tư công và mua sắm công. Hai là, giảm thuế nội địa để kích thích đầu tư sản xuất và tiêu dùng trong nước.

Theo đó, tăng chi tiêu công là giải pháp được nhiều quốc gia tính đến để áp dụng trong một giai đoạn nhất định khi nền kinh tế suy thoái hoặc gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với thực tế Việt Nam hiện nay, giải pháp kích thích kinh tế thông qua giải ngân đầu tư công chưa thể phát huy hiệu quả khi tỷ lệ giải ngân đầu tư công vẫn ở mức rất thấp trong 6 tháng đầu năm. Rủi ro của giải pháp này là việc đưa ra các chương trình kích thích đầu tư nhưng không thực hiện được hoặc giải ngân vội vàng nên không hiệu quả.

Thay vào đó, theo ông Minh, có thể trông chờ nhiều hơn vào việc kích thích kinh tế từ khu vực kinh tế tư nhân bằng việc giảm mạnh thuế nội địa. Chẳng hạn, có thể giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 20% hiện nay xuống mức 17% với doanh nghiệp lớn và 10% với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong vòng 3 năm. Cách làm đó sẽ thúc đẩy đầu tư cho sản xuất kinh doanh, qua đó kích cầu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Còn theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính thuộc Học viện Tài chính, nợ công và bội chi NSNN hiện ở ngưỡng an toàn và có thể tiếp tục áp dụng gói kích thích kinh tế tiếp theo. Tuy nhiên, tính toán được mức độ và liều lượng hợp lý là không hề dễ dàng.

Mặt khác, theo ông Độ, các gói hỗ trợ không thể bao phủ tất cả các nhóm đối tượng. Do đó, cần tiếp tục phân loại theo thứ tự ưu tiên, đồng thời đảm bảo cân bằng cả ba khía cạnh là tăng chi tiêu công, giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp và tiếp tục hỗ trợ an sinh xã hội cho các đối tượng chính sách.

“Trước tiên và quan trọng nhất là đánh giá hiệu quả thực thi các gói hỗ trợ vừa qua. Từ đó, căn cứ vào tình hình thực tế để tính toán tỷ trọng hợp lý giữa các nhóm chính sách và cân nhắc áp dụng cho gói hỗ trợ tiếp theo”, ông Độ nhấn mạnh.

Chuyên đề