Cán bộ chuyên nghiệp quyết định thành công của mua sắm tập trung

(BĐT) - Từ giai đoạn thí điểm 2007 - 2012 đến trước thời điểm Luật Đấu thầu 2013 được ban hành, khái niệm tổ chức mua sắm tập trung (MSTT) vẫn chưa phổ biến. Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương khi triển khai Luật Đấu thầu, đến nay đã dần hình thành những đầu mối MSTT chuyên nghiệp. Và quan trọng là đã xây dựng được đội ngũ cán bộ phụ trách MSTT chuyên nghiệp, coi chuẩn mực đấu thầu là tiêu chí hàng đầu khi thực thi nhiệm vụ.
Năm 2019, giá trị thực hiện các gói thầu mua sắm tập trung tại Trung tâm Cung ứng vật tư viễn thông TP.HCM là 2.450 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Năm 2019, giá trị thực hiện các gói thầu mua sắm tập trung tại Trung tâm Cung ứng vật tư viễn thông TP.HCM là 2.450 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Những đầu mối mua sắm tập trung tiên phong

Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn thí điểm thực hiện MSTT, tỉnh Bình Thuận có thể xem là địa phương đầu tiên của cả nước hình thành tổ chức MSTT chuyên nghiệp. Cụ thể, ngày 31/8/2007, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận có Quyết định số 2267/QĐ-UBND về việc thành lập Trung tâm Mua tài sản công tỉnh Bình Thuận. Trung tâm có nhiệm vụ tổ chức triển khai công tác mua sắm tài sản nhà nước tập trung tại địa phương theo quy định của Trung ương; thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND Tỉnh, trừ các gói thầu do Trung tâm là đơn vị tư vấn và các gói thầu MSTT đối với các tài sản thuộc danh mục MSTT của Tỉnh; phối hợp với Phòng Quản lý giá và công sản tham mưu cho lãnh đạo Sở Tài chính trình UBND Tỉnh, Chủ tịch UBND Tỉnh dự thảo quyết định, chỉ thị và các văn bản khác thuộc thẩm quyền ban hành về lĩnh vực quản lý và mua tài sản công. Theo lãnh đạo Sở Tài chính Bình Thuận, “từ rất sớm, tỉnh Bình Thuận đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng, đưa MSTT về một đầu mối để nâng cao tính chuyên nghiệp khi tổ chức lựa chọn nhà thầu”.

Cũng từ rất sớm, trước khi Luật Đấu thầu 2013 được ban hành, Bộ Công an đã nhanh chóng triển khai thực hiện mua sắm công tập trung, coi đây là bước đột phá mới để chủ động đảm bảo hậu cần, kỹ thuật cho lực lượng công an nhân dân. Tháng 4/2012, Bộ Công an đã hoàn thành Kế hoạch số 83/KH-BCA về xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Đấu thầu MSTT của Bộ trực thuộc Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật.

Trong giai đoạn 2012 - 2015, Bộ Công an đã không ngừng tiếp thu, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm các bộ, ngành và nhận được sự đồng thuận của công an các đơn vị, địa phương để đẩy nhanh quá trình thành lập đơn vị đầu mối MSTT này. Ngày 20/1/2016, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Trung tâm Đấu thầu MSTT Bộ Công an.

Theo đó, Trung tâm là đơn vị sự nghiệp công lập có thu trực thuộc Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, gồm 4 đơn vị đầu mối, có con dấu và tài khoản riêng, có trách nhiệm giúp Tổng cục trưởng tổ chức đấu thầu, mua sắm tài sản theo danh mục sản phẩm, hàng hóa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt từ các nguồn kinh phí Bộ giao Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật thực hiện; tổ chức đấu thầu, mua sắm cho công an các đơn vị, địa phương khi Bộ trưởng giao hoặc công an các đơn vị, địa phương đề nghị; tư vấn, hướng dẫn dịch vụ mua sắm tài sản trong lực lượng công an nhân dân…

Việc thành lập Trung tâm Đấu thầu MSTT Bộ Công an đã thể hiện rõ quan điểm của lãnh đạo Bộ về đổi mới trong công tác mua sắm tài sản công, phát huy vai trò của đơn vị chuyên trách trong thực hiện công tác mua sắm chuyên nghiệp và tạo điều kiện cho các đơn vị nghiệp vụ về công tác hậu cần, kỹ thuật tập trung làm tốt chức năng được giao. Công tác đấu thầu MSTT với những lợi thế, ưu điểm đã được Bộ Công an khẳng định sẽ tạo bước đột phá cho công tác mua sắm tài sản trong toàn ngành công an nhân dân.

Theo chia sẻ của Trung tâm Đấu thầu MSTT Bộ Công an, để nâng cao nghiệp vụ công tác đấu thầu mua sắm, Trung tâm đã chủ trì tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức đấu thầu, nâng cao và đào tạo chuyên gia đấu thầu cho hàng trăm lượt cán bộ, chiến sỹ. 

Tạo sức lan tỏa rộng khắp

Tỉnh Bình Thuận có thể xem là địa phương đầu tiên của cả nước hình thành tổ chức MSTT chuyên nghiệp. Ngày 31/8/2007, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận có Quyết định số 2267/QĐ-UBND về việc thành lập Trung tâm Mua tài sản công tỉnh Bình Thuận.
Có rất nhiều câu chuyện về sự lan tỏa của công tác MSTT thời gian qua trên cả nước. Tại Viễn thông TP.HCM (VNPT TP.HCM), Trung tâm Cung ứng vật tư viễn thông TP.HCM được thành lập từ năm 2014, là đầu mối của việc mua sắm vật tư cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) khu vực phía Nam nói chung và TP.HCM nói riêng. Năm 2018, giá trị thực hiện các gói thầu MSTT tại Trung tâm là 2.000 tỷ đồng, năm 2019 là 2.450 tỷ đồng. Để thực hiện thành công khối lượng công việc khổng lồ này, lãnh đạo Trung tâm cho biết: “VNPT và VNPT TP.HCM đã dồn toàn tâm toàn lực để chuẩn bị nhân sự tốt nhất cho khâu đấu thầu MSTT”.

Ông Hồ Minh Kiệt, Giám đốc Trung tâm Cung ứng vật tư viễn thông TP.HCM chia sẻ: “Năm 2018, trên 90% cán bộ, chuyên viên của Trung tâm có chứng chỉ hành nghề đấu thầu. Năm 2019, 100% cán bộ phụ trách đấu thầu của Trung tâm đã có chứng chỉ này. Đến năm 2020, ngay cả đội ngũ cán bộ phụ trách kỹ thuật của Trung tâm cũng quyết tâm tham gia thi để được cấp chứng chỉ hành nghề đấu thầu. Quan điểm của chúng tôi là có chứng chỉ đã tốt, nhưng quan trọng nhất là kinh nghiệm và thái độ làm việc, phải chuẩn mực và tuân thủ nguyên tắc của đấu thầu là minh bạch, hiệu quả kinh tế”.

Tại Đắk Lắk, một địa phương còn nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế cũng không đứng ngoài cuộc trong việc đưa MSTT dần đi vào cuộc sống. Khác với nhiều địa phương, đầu mối tổ chức MSTT tại Đắk Lắk được giao cho Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản (thuộc Sở Tư pháp) triển khai từ năm 2016. “Mối quan tâm lớn nhất của lãnh đạo Trung tâm chính là nâng cao kiến thức, năng lực chuyên môn về đấu thầu cho cán bộ phụ trách đấu thầu”, ông Nguyễn Thanh Vũ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Đắk Lắk cho biết.

Tại Tiền Giang, hiện đang có hai đầu mối tổ chức MSTT là Trung tâm Thông tin - Tư vấn - Dịch vụ tài chính Tiền Giang (thuộc Sở Tài chính) và Trung tâm Mua sắm công ngành y tế Tiền Giang (thuộc Sở Y tế). “Trung tâm rất quan tâm đến công tác nâng cao năng lực đấu thầu của đội ngũ cán bộ được giao nhiệm vụ lựa chọn nhà thầu, đây là vấn đề cốt lõi. Là đơn vị MSTT, một đơn vị đấu thầu chuyên nghiệp, các cá nhân tham gia quá trình lựa chọn nhà thầu bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề đấu thầu. Đối với viên chức, người lao động tuyển dụng mới, Trung tâm bắt buộc tham gia lớp đấu thầu cơ bản và đưa ra chỉ tiêu trong vòng 12 tháng phải thi sát hạch và được cấp chứng chỉ hành nghề đấu thầu. Bên cạnh đó, Trung tâm áp dụng hình thức giao việc và đào tạo tại chỗ, phân công người có chứng chỉ kèm cặp đào tạo người mới, kết hợp với cơ quan triển khai các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến đấu thầu, trao đổi, chia sẻ, tranh luận về các tình huống trong quá trình lập, đánh giá hồ sơ dự thầu”, đại diện Trung tâm Mua sắm công ngành y tế Tiền Giang cho biết.

Cũng giống như VNPT TP.HCM, rất nhiều đơn vị MSTT chuyên nghiệp khẳng định, tham gia thực hiện công tác MSTT, ngoài kiến thức, cần phải chịu khó để tích lũy kinh nghiệm, kịp thời cập nhật các văn bản pháp luật, đòi hỏi cán bộ phải có tâm, có đạo đức thì kết quả lựa chọn nhà thầu mới đảm bảo được mục tiêu cạnh tranh, công bằng và đem lại hiệu quả kinh tế.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư