Bộ NN&PTNT giải ngân vốn ODA ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng thì thông tin Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xin trả lại hơn 1.800 tỷ đồng vốn ODA khiến nhiều người bất ngờ.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có tổng số 40 dự án sử dụng vốn ODA. Ảnh: Hữu Thắng
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có tổng số 40 dự án sử dụng vốn ODA. Ảnh: Hữu Thắng

Bộ NN&PTNT cho biết, theo kế hoạch đầu tư công năm 2020, Bộ được được giao tổng số 3.638,8 tỷ đồng vốn ODA để thực hiện đầu tư các dự án của ngành, hiện đã phân bổ được 1.830 tỷ đồng. Số vốn ODA còn lại chưa được phân bổ là hơn 1.800 tỷ đồng từ nguồn vốn năm 2019 chuyển sang nhưng Bộ không có nhu cầu. Vì thế, Bộ NN&PTNT nhiều lần có văn bản đề nghị trả lại vốn này để giao cho các bộ, ngành, địa phương khác có nhu cầu.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện một số dự án ODA của Bộ NN&PTNT đang chậm tiến độ so với kế hoạch, dẫn đến “không tiêu được tiền”. Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, hiện Bộ đang có 2 dự án ODA lớn gặp vướng mắc. Một là Dự án Quản lý nước ở tỉnh Bến Tre sử dụng ODA vốn vay Chính phủ Nhật Bản (JICA 3) với tổng mức đầu tư 285,7 triệu USD (trên 6.191 tỷ đồng) vay để đầu tư dự án kiểm soát mặn ngọt. “Theo kế hoạch đúng ra là phải khởi công từ các năm trước, nhưng đến nay các thủ tục mới xong để đấu thầu. Trường hợp lựa chọn xong nhà thầu thực hiện, cho tạm ứng thì năm nay cũng mới chỉ giải ngân được 300 tỷ đồng…”, ông Hiệp nói.

Một dự án ODA khác ở Thanh Hóa sử dụng nguồn vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc để làm hệ thống thủy lợi và trạm bơm thì bị vướng trong quá trình đàm phán. Theo ông Hiệp, với dự án này, lúc đầu lãi suất gần như bằng 0%, nhưng bên cho vay lại yêu cầu quá nhiều điều kiện về tư vấn, nhà thầu, hợp đồng tương tự, thậm chí bên cho vay vốn cũng liên tục thay đổi tiêu chí… nên dẫn đến đàm phán kéo dài.

Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Hải Thanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình thuộc Bộ NNPTNT cho biết, đây là số tiền dư của các dự án tồn đọng từ trước. Năm nay, Bộ NNPTNT chỉ có khả năng giải ngân được với số còn lại là 1.830 tỷ đồng đã được giao vốn.

Báo cáo về tình hình rà soát tiến độ các dự án ODA thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 của Bộ NN&PTNT cho thấy, trong giai đoạn này, Bộ có tổng số 40 dự án dùng vốn ODA. Đến hết năm 2020, Bộ có 22 dự án hoàn thành, 18 dự án chuyển tiếp sau năm 2020. Số vốn cần bố trí cho 18 dự án ODA chuyển tiếp khoảng 15.470 tỷ đồng (vốn đối ứng trong nước là 2.398 tỷ đồng và vốn nước ngoài là 13.070 tỷ đồng). Các dự án ODA chậm tiến độ so với kế hoạch là do quá trình đàm phán kéo dài, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, công tác chuyển đổi đất đai; nhiều địa phương không bố trí kịp thời vốn đối ứng các dự án ODA, công tác phát sinh tăng kinh phí giải phóng mặt bằng…

Liên quan đến vấn đề này, đáng chú ý, vừa qua, Bộ NN&PTNT không phải là bộ duy nhất xin chuyển trả lại vốn. Báo cáo tại Hội nghị giao ban trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về giải ngân đầu tư công diễn ra mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, 9 bộ, cơ quan trung ương và 9 địa phương có văn bản xin trả lại gần 6.400 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công để điều chuyển cho nơi khác.

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt trong việc điều hòa kế hoạch vốn từ những nơi không hiệu quả sang những nơi hiệu quả hơn để phấn đấu giải ngân tối đa kế hoạch đầu tư công và sử dụng hiệu quả vốn.

Bình luận về việc một số đơn vị xin trả lại vốn ODA để chuyển giao cho đơn vị khác, ông Trần Quốc Phương cho rằng: “Đây là hành động nên làm và có thể cần làm thường xuyên hơn, kịp thời hơn để sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công”.

Chuyên đề