Bát nháo như đấu giá khai thác cát

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Câu chuyện Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ T-S. Home (TP.HCM) trúng đấu giá quyền khai thác mỏ cát trên sông Tiền (xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) với giá lên tới 2.811 tỷ đồng có thể coi là điển hình của tình trạng bát nháo hiện nay.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Dù giành quyền trúng đấu giá với kinh phí “không tưởng” cho một mỏ cát nhỏ, thân thế của doanh nghiệp này càng khiến dư luận bất ngờ. Đây chỉ là một doanh nghiệp chuyên kinh doanh… giặt là, với quy mô vốn ít ỏi, chưa từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. Hiện doanh nghiệp chưa có động thái nào để thực hiện nghĩa vụ sau khi được công bố trúng đấu giá.

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Bến Tre cũng đang bối rối với các đơn vị trúng đấu giá ba mỏ cát: mỏ cát An Đức - An Hòa Tây; mỏ An Hiệp - An Ngãi Tây (cùng huyện Ba Tri); mỏ Quới Sơn (huyện Châu Thành). Theo sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre, đến nay dù đã hơn 6 tháng nhưng các doanh nghiệp này vẫn chưa đến làm thủ tục để được cấp phép theo quy định dù tỉnh Bến Tre đã ít nhất 3 lần ra văn bản thông báo nhắc nhở. Cụ thể, Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Hiệp Hương trúng đấu giá mỏ cát Quới Sơn có trữ lượng khoảng 1,1 triệu m3 với giá trúng đấu giá trên 22,4 tỷ đồng. Công ty TNHH Sơn Ninh trúng đấu giá mỏ An Đức - An Hòa Tây có trữ lượng 1,5 triệu m3, giá trúng đấu giá 220 tỷ đồng và Công ty CP Vận tải Đà Nẵng trúng đấu giá mỏ cát An Hiệp - An Ngãi Tây có trữ lượng 1,5 triệu m3, đấu giá trúng với giá trên 121 tỷ đồng. Đây là 3 doanh nghiệp có giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm.

Cũng tại Bến Tre, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra việc trong 4 năm (2015 - 2018), UBND Tỉnh đã tự ý đưa mỏ cát thuộc khu vực sông Hàm Luông (xã Sơn Phú, huyện Giồng Trôm), xã Tân Thành Bình (huyện Mỏ Cày Bắc) và mỏ cát thuộc khu vực sông Hàm Luông (xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm) vào danh mục không đấu giá quyền khai thác khoáng. Do đó, trong giai đoạn này, việc chọn các doanh nghiệp khai thác cát rất vô tội vạ, lộn xộn, không thông qua đấu giá.

Trong khi đó, tỉnh Bến Tre cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với nhiều doanh nghiệp khi hồ sơ cấp phép không đảm bảo điều kiện; buông lỏng quản lý dẫn đến Công ty CP Vật liệu xây dựng Bến Tre khai thác vượt công suất so với giấy khai thác khoáng sản trong thời gian dài tại các mỏ: mỏ cát Phụng Châu (xã Hòa Nghĩa, xã Sơn Định, xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách) và mỏ cát Tiên Thủy - An Hiệp (xã Tiên Thủy, xã An Hiệp, huyện Châu Thành)…

Tại Hưng Yên, Thanh tra Chính phủ cho biết, trong số 35 doanh nghiệp, cá nhân cung cấp cát cho 8 dự án lớn ở Hưng Yên, chỉ có 1 doanh nghiệp có giấy phép khai thác được cấp. Các doanh nghiệp, cá nhân còn lại đều không có giấy phép khai thác mà thực hiện việc thu mua từ nhiều doanh nghiệp, các cá nhân, bến bãi khác trong và ngoài Tỉnh.

Cát là vật liệu xây dựng có yếu tố quyết định đến tiến độ, kinh phí xây dựng của các công trình, hoạt động kinh doanh của tất cả các nhà thầu xây dựng và có những diễn biến về giá cực kỳ phức tạp. Do đó, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định nhằm siết chặt hoạt động khai thác cát trái phép, nạn đầu cơ giá cát cũng như tăng cường công tác đấu giá quyền khai thác cát, trong đó có Nghị định số 23/2020/NĐ-CP quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.

Theo quy định hiện hành, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức đấu giá quyền khai thác cát, sỏi lòng sông để cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn theo quy định của pháp luật về khoáng sản; chủ trì tổ chức đấu giá đối với khối lượng sản phẩm là cát, sỏi lòng sông thu hồi được từ các dự án nạo vét duy tu, nạo vét luồng thuộc vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa.

Thời gian qua, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra về quản lý tài nguyên khoáng sản, khai thác cát sỏi ở nhiều địa phương và cảnh báo thực trạng đáng báo động liên quan đến sự tham gia của các doanh nghiệp vào quá trình khai thác cát. Thực tế, việc giao quyền khai thác cho doanh nghiệp không thông qua đấu giá hiện nay đã giảm đi rất nhiều. Song, ngay trong nội tại các cuộc đấu giá khai thác cát vẫn tồn tại nhiều tiêu cực.

“Xây dựng giá khởi điểm thấp do bị tác động từ các đối tượng thân hữu; dìm giá; quân xanh, quân đỏ; thậm chí cho dân xã hội đen can thiệp để các doanh nghiệp khó tiếp cận với các cuộc đấu giá công khai. Tình trạng hét giá cao bất thường rồi bỏ của chạy lấy người cũng là một chiêu để lô đấu giá đó thất bại, buộc phải đấu giá lại cũng là chiêu để hạn chế doanh nghiệp tham gia… Đó là các chiêu trò phổ biến hiện nay để biến các buổi đấu giá này trở thành hình thức”, đại diện một doanh nghiệp nhiều kinh nghiệm chia sẻ với Báo Đấu thầu.

Do đó, theo các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này, khung pháp lý đã rõ, UBND các tỉnh cần quyết liệt chấn chỉnh, theo dõi, giám sát chặt chẽ công tác đấu giá khai thác cát mới thực sự hiệu quả. “Cần thiết, có hình thức xử lý nghiêm với các doanh nghiệp “chiêu trò” khi tham dự đấu giá, gây khó khăn cho hoạt động đấu giá khai thác cát”, đại diện một doanh nghiệp đề xuất.

Chuyên đề