Bất động sản sôi động nhờ nhà đầu tư F0

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Những ngày cuối năm 2021 và đầu năm 2022, tại nhiều tỉnh, thành phía Nam, thị trường bất động sản được hâm nóng trở lại một cách mạnh mẽ sau những tháng ngày dài im ắng vì đại dịch Covid-19. Cuộc “săn” đất lần này không chỉ có những nhà đầu tư lão luyện, mà còn thu hút nhiều người mới tham gia lần đầu - hay còn gọi là F0 - khiến diễn biến thị trường thêm kịch tính.
Giới trẻ ngày nay chấp nhận sống xa trung tâm nhưng sở hữu nhà ở rộng rãi và gần gũi với thiên nhiên
Giới trẻ ngày nay chấp nhận sống xa trung tâm nhưng sở hữu nhà ở rộng rãi và gần gũi với thiên nhiên

“Cứ đo mét ngang nhân lên mà tính tiền”

Chiếc xe hơi 7 chỗ của ông Nhi vừa dừng ở thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chưa được 3 phút, thì một “cò đất” đã xuất hiện. Do đã liên lạc qua điện thoại và gửi thông tin những lô đất chủ muốn bán qua Zalo từ trước, nên cuộc xem đất và ngã giá diễn ra khá nhanh. “Cò đất” chỉ tay về phía 3 lô đất nối tiếp nhau, nằm trên trục đường nhựa phía trong, cách đường chính bên ngoài khoảng 200 mét, cho biết, chủ rao giá 1 mét ngang 200 triệu đồng, có thương lượng. Nhưng khi ông Nhi gọi điện nói chuyện trực tiếp, thì chủ đất “đánh hơi” được “dân Sài Gòn” xuống mua nên thay đổi ý định, đòi nâng giá bán, vì vậy cuộc ngã giá bất thành.

Chưa đầy một tiếng sau, khi người “cò đất” nói trên gọi điện thoại lại hỏi ông Nhi có trả giá thêm để mua các lô đất không, thì lúc này, tại xã Bàu Chinh cũng ở huyện Châu Đức, ông Nhi đã xuống tiền cọc mua một lô đất 18 mét ngang, 36 mét dọc, với giá 2 tỷ 450 triệu đồng. Trên khu đất trồng cây lâu năm đó còn có một ngôi nhà cấp 4 khá mới, tức tính ra giá tương đương hơn 136 triệu đồng 1 mét ngang. “Đất ở đây cứ lấy mét ngang nhân lên rồi tính tiền, chứ không tính mét vuông như ở Sài Gòn đâu”, bà Xuyên - một “cò đất” mới phất lên ở Châu Đức với thu nhập vài chục triệu đồng mỗi ngày từ tiền hoa hồng - cho hay.

Càng cận Tết Nguyên đán 2022, tình hình giao dịch bất động sản ở các tỉnh, thành phía Nam như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận, Long An, Bình Dương, Bình Phước… càng chộn rộn. Dường như người dân lo ngại “cơn bão” lạm phát có thể kéo đến trong nay mai khiến giá đất tăng trên diện rộng nên đang chạy đua với thời gian để mua đất. Bà Thơ, một người từ miền Trung vào xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước lập nghiệp từ hơn 30 năm nay kể, lô đất hơn 300 mét ngang của bà nằm dọc con đường đất mấy năm trước giá chỉ vài trăm triệu hoặc cùng lắm là hơn 1 tỷ đồng, bỗng nhiên bây giờ có người trả 50 triệu đồng trên mỗi mét ngang sau khi con đường ấy được rải nhựa. Chẳng mấy chốc, bà Thơ đã có trong tay hơn 15 tỷ đồng chỉ với một lô đất, nhờ vậy mà cuộc sống lam lũ lâu nay của bà đã đỡ hơn rất nhiều. Trời không phụ lòng người và đất vẫn luôn thủy chung với những ai hữu duyên.

Chuyện nhiều người trong thiên hạ giàu lên từ đất, hay những nhà đầu tư cá nhân trúng đậm từ các thương vụ mua bán đất sào, đất mẫu kể không thể hết. Nói không ngoa, chưa thời nào bàn dân thiên hạ lại đau đáu về mua bán đất đai như thời nay. Không chỉ ở các đô thị lớn, mà tại các vùng nông thôn xa xôi, người người đang tìm cơ hội làm giàu từ đất. Thực tế cho thấy, bất động sản đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều người, nhưng dĩ nhiên, không phải ai cũng có thể đầu tư đúng lúc và kiếm lời một cách tốt nhất như kỳ vọng.

“Ước gì bước vào thị trường sớm hơn”

Mong muốn đầu tư bất động sản thì dường như ai cũng có, nhưng không phải ai cũng đủ “ngân lượng” để tham gia. Bởi vậy, có nhiều người nhìn thấy cơ hội nhưng không có tiền nên đành chịu. Ông Chủy, ở xã Quảng Thành thuộc huyện Châu Đức kể, giữa năm 2019, ông đã giới thiệu cho người em của mình một lô đất hơn 4.000 mét vuông, trong đó chiều ngang 38 mét, với giá 700 triệu đồng. Do chưa đủ tiền, lại nghĩ đất rẫy ở các tỉnh vùng ven tăng chậm, bán khó nên người em ấy không mua. Bẵng đi một thời gian, cuối năm 2021, khi kiếm được một ít vốn, người em ấy quay lại huyện Châu Đức để tìm mua đất. Lúc nghe ông Chủy nói lô đất ngày đó giờ có giá hơn 4 tỷ đồng, người em chưng hửng và tiếc nuối. “Cơ hội rất khó đến lần thứ hai. Ước gì ngày đó tôi quyết đoán và bước vào thị trường sớm hơn”, nhà đầu tư F0 nói trên ngậm ngùi chia sẻ và cho biết đã không chút do dự bỏ ra gần 2,5 tỷ đồng để mua chỉ 700 mét vuông đất rẫy.

Trong số các nhà đầu tư F0 tham gia thị trường bất động sản mà người viết bài từng tiếp xúc, xu hướng bán nhà nhỏ ở TP.HCM, hoặc chọn phương án thuê nhà tại Thành phố để tìm về vùng ngoại ô mua đất có diện tích lớn ngày càng tăng. Tầm nhìn của họ khi đầu tư là từ 5 - 10 - 15 năm, vì tiền ít mà muốn mua đất rộng thì phải chấp nhận đi sâu, đi xa và chờ lâu hơn. Ông An, một nhà đầu tư đến từ TP.HCM, dự báo: “Tôi đã suy nghĩ và cân nhắc rất nhiều khi bán nhà nhỏ ở Sài Gòn để mua đất ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Bởi giá nhà trong hẻm ở Sài Gòn giờ tăng không nhiều, trong khi dư địa tăng giá ở các vùng ven còn rất tốt. Bán một căn nhà 4 tỷ đồng ở Sài Gòn có thể mua được 2 thửa đất rộng và đẹp ở vùng ven, mỗi lô lên đến cả ngàn mét vuông. Về lâu dài, ai sở hữu nhiều quỹ đất, người đó sẽ thắng”.

Cũng như nhiều lĩnh vực đầu tư khác, việc đầu tư bất động sản cần phải nhanh nhạy, bản lĩnh, có những kinh nghiệm và hiểu biết nhất định, nếu không rất dễ bị lừa. Bởi giao dịch bất động sản thời nay luôn có những tình tiết lắt léo mà người mua không từng trải rất dễ bị mất tiền cọc hoặc mất trắng, đồng thời dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài. Luật sư Văn Đình Tùng, người từng có thời gian làm việc tại một văn phòng công chứng cho biết, tâm lý của “cò đất” là ưa lấy tiền hoa hồng nhanh nên hay thúc khách xuống tiền để mua. Cũng có một số “cò đất” thấy lô đất giá hời thì bỏ ra 100 - 200 triệu đồng để đặt cọc rồi “lướt sóng”. Khi lướt không kịp thì sang cọc để lấy lại vốn, khiến lô đất bị mua bán lòng vòng. Nếu khi mua, khách không để ý đến những tình tiết này, rất dễ xảy ra trường hợp một người không đứng tên trên sổ hồng hay bất cứ giấy tờ công chứng nào nhưng lại đứng ra nhận cọc, thậm chí ký kết hợp đồng mua bán.

Năm 2022 đang mở ra triển vọng tươi sáng hơn. Lắng lại một chút sẽ thấy, suy nghĩ, thói quen, nhu cầu ăn, ở, đi lại, mua sắm, tiêu dùng đã thay đổi rất nhiều sau đại dịch. Thiên hướng chấp nhận sống xa trung tâm nhưng sở hữu nhà ở rộng rãi và gần gũi với thiên nhiên cũng là trào lưu mới đang bùng nổ trong giới trẻ. Đó là một sự lựa chọn và sự lựa chọn ấy không phải không có lý, vì dù sao sau này không thích ở nữa thì bán lại vẫn có khả năng sinh lợi tốt. Nói như ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam, năm 2022 sẽ là một năm chứng kiến nguồn tiền lớn đổ vào bất động sản ở tất cả các phân khúc. Nguồn tiền này đến từ nhiều phía, trong đó có nhóm nhà đầu tư cá nhân, tất nhiên sẽ không thể thiếu bóng dáng của những nhà đầu tư F0.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư