Bấp bênh tăng trưởng kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh thế giới tiếp tục biến động khó lường, kinh tế Việt Nam 2 tháng đầu năm vẫn đạt được một số kết quả tích cực. Dù vậy, một số chỉ báo kinh tế vĩ mô cho thấy kinh tế nước ta đang đối diện với khó khăn, thách thức nhiều hơn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng, nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước gặp nhiều khó khăn do các thị trường xuất khẩu suy yếu. Ảnh: Lê Tiên
Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước gặp nhiều khó khăn do các thị trường xuất khẩu suy yếu. Ảnh: Lê Tiên

Số liệu về kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 tăng 4,31% so với cùng kỳ năm trước; lãi suất cho vay có xu hướng hạ nhiệt. Thu ngân sách nhà nước 2 tháng tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nội địa tăng 17%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới có tín hiệu tích cực, đạt 1,76 tỷ USD trong 2 tháng, cao gấp 2,8 lần cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại 2 tháng xuất siêu 2,82 tỷ USD.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục tăng trưởng nhờ sức cầu tiêu dùng trong nước và các hoạt động kinh tế trở lại bình thường sau Tết. Hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, kết quả tăng trưởng kinh tế 2 tháng cũng cho thấy một số khó khăn, hạn chế do tác động của tình hình thế giới, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước tiếp tục gặp nhiều thách thức. Tính chung 2 tháng, chỉ số sản xuất (IIP) toàn ngành công nghiệp giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là điều chưa từng có trong cùng kỳ 2 tháng các năm từ 2001 đến nay. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 2 tháng giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 14,5%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu và nhập khẩu 2 tháng giảm lần lượt là 13,2%, 10,4% và 16% so với cùng kỳ năm trước.

Bộ KH&ĐT nhận định, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước gặp nhiều khó khăn, áp lực cạnh tranh tăng do các thị trường xuất khẩu suy yếu; nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Theo Bộ KH&ĐT, cần tiếp tục xác định trọng tâm chính sách gồm cả tài khóa và tiền tệ, trong đó, chính sách tài khóa phải đóng vai trò quan trọng và quyết định. Thực tế đặt ra yêu cầu phải xây dựng, bổ sung ngay các giải pháp hỗ trợ, nhất là thuế, phí, sớm hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Chính sách tiền tệ tập trung giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay, gia tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân. Bộ KH&ĐT cho biết, đến nay, giải ngân các chính sách hỗ trợ mới đạt 81,1 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, gói hỗ trợ, phục hồi nền kinh tế có giá trị 350.000 tỷ đồng.

Giải ngân đầu tư công được kỳ vọng là lực đẩy tích cực và quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Nhã Chi

Giải ngân đầu tư công được kỳ vọng là lực đẩy tích cực và quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Nhã Chi

Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam nhận định, bức tranh kinh tế tháng 2 cho thấy nhiều điểm sáng đáng chú ý bên cạnh một số khó khăn, thách thức vẫn hiện rõ. Trong đó, điểm sáng rõ nhất là giải ngân đầu tư công 2 tháng cao hơn cùng kỳ năm ngoái 10%, hy vọng đây sẽ là lực đẩy tích cực và quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm nay. Một số điểm tích cực khác của nền kinh tế là kim ngạch xuất nhập khẩu của 2 tháng dù ở mức thấp hơn cùng kỳ năm trước song vẫn giữ được trạng thái xuất siêu, khách du lịch quay trở lại Việt Nam đã phục hồi khá mạnh mẽ. Trong bức tranh chung, kinh tế vĩ mô tương đối ổn định với thu ngân sách nhà nước tăng trưởng tích cực, đặc biệt là thu nội địa vẫn tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thực tế đặt ra yêu cầu phải xây dựng, bổ sung ngay các giải pháp hỗ trợ, nhất là thuế, phí, sớm hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Chính sách tiền tệ tập trung giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay, gia tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên, theo ông Bình, một số chỉ báo kinh tế vĩ mô cũng cho thấy nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với những thách thức. Theo đó, cả kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái cho thấy sức cầu đối với hàng hóa Việt Nam có dấu hiệu suy yếu. Điều này có thể dẫn đến hệ lụy là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, lĩnh vực xuất nhập khẩu chủ lực và thu hút lực lượng lao động lớn sẽ chịu tác động bất lợi. Bên cạnh đó, đầu tư tư nhân cũng có dấu hiệu suy giảm. Đây là điều đáng lưu ý, bởi đầu tư tư nhân là nguồn lực quan trọng để hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững.

Để ứng phó với những thách thức này, ông Bình đề xuất cần có biện pháp tháo gỡ các ách tắc trên thị trường xuất khẩu hàng hóa, tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đồng thời chú trọng hơn thị trường trong nước để tăng sản lượng tiêu thụ cho doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh chính sách tài khóa, theo ông Bình, cần khơi thông thị trường vốn và tiền tệ để hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đánh giá: “Các giải pháp điều hành tích cực và quyết liệt của Chính phủ đã giúp nền kinh tế đạt được một số kết quả khá tốt trong 2 tháng đầu năm dù bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế còn nhiều thách thức, trong đó, điểm tích cực nhất là giải ngân đầu tư công. Trong thời gian tới, các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công, cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp”.

Chuyên đề