Nhiều chỉ dấu tốt về triển vọng tăng trưởng kinh tế 2023

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Trần Anh Tuấn - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, năm 2023, nền kinh tế sẽ tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng. Mặc dù còn nhiều khó khăn do tác động tiêu cực từ các yếu tố bên ngoài và hạn chế nội tại của nền kinh tế, nhưng về cơ bản, mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6,5% mà Quốc hội đặt ra là khả thi.
Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế chính của năm 2023. Ảnh: Tiên Giang
Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế chính của năm 2023. Ảnh: Tiên Giang

Năm 2023, Quốc hội giao chỉ tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5%. Theo ông, chỉ tiêu này liệu có khả thi?

Kết quả phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2022 đạt khá cao trên nền thấp của năm 2021. Tăng trưởng GDP cả năm ước đạt trên 8,02% (chỉ tiêu là 6 - 6,5%).

Năm 2023, kinh tế Việt Nam không nằm ngoài khó khăn chung của kinh tế thế giới như lạm phát tăng, giá cả leo thang, lãi suất hay tỷ giá neo ở mức cao… Đà phục hồi trong năm 2022 và sức chống chịu vốn có của nền kinh tế trước áp lực của các cú sốc từ bên ngoài trong thời gian qua cho thấy, mục tiêu mà Quốc hội đặt ra là có thể đạt được.

Một lý do nữa là Chương trình Phục hồi và phát triển KT-XH cùng 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang được triển khai tích cực và hoàn thành trong năm nay. Các chính sách tài khóa, tiền tệ, các giải pháp đã và đang thực hiện sau dịch Covid-19 cũng sẽ phát huy tác dụng.

Ông Trần Anh Tuấn

Ông Trần Anh Tuấn

Đâu là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong năm 2023, thưa ông?

Động lực tăng trưởng kinh tế chính của năm 2023 tiếp tục là tiêu dùng gia tăng, trong đó có tiêu dùng hàng hóa trong nước và xuất khẩu. Nếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, kết hợp với yếu tố hội nhập quốc tế và uy tín trong giao dịch thương mại thì xuất khẩu sẽ đạt kết quả khả quan, theo hướng có thặng dư thương mại. Do đó, cần tiếp tục định hướng này, phát huy lợi thế cạnh tranh với những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như chế biến, chế tạo, nông - lâm - thủy sản…

Để phát huy năng lực tiêu thụ của thị trường nội địa, cần thiết kế được các kênh phân phối tốt, đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng của hàng hóa nội địa, dần thay thế hàng hóa nhập khẩu. Trong đó, cần tận dụng kênh phân phối phục vụ trực tiếp cho người dân, người lao động làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp. Tiêu thụ tốt trên thị trường nội địa, cộng với xuất khẩu sẽ giúp cho năng lực sản xuất của nền kinh tế giữ mức tăng trưởng ổn định.

Thứ hai, sự ổn định của thị trường ngoại hối và lãi suất - những cán cân lớn của nền kinh tế cũng sẽ tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Sau Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV vào tháng 10/2022, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, kéo giảm lãi suất, ổn định mặt bằng tỷ giá…

Thứ ba là nỗ lực đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong năm 2023, cũng như thu hút các nguồn lực đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Điều này được thể hiện ngay trong những ngày đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã phát lệnh khởi công 12 dự án đường bộ cao tốc để thúc đẩy việc triển khai nhanh các dự án đầu tư công trọng điểm.

3 động lực đó cộng lại thì sẽ đảm bảo tốc độ tăng trưởng cao và đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra.

Mặc dù năm 2022 đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như vấn đề lao động, du lịch, doanh nghiệp (DN) khó tiếp cận đòn bẩy tài chính... Làm thế nào để vượt qua những khó khăn, thách thức này, thưa ông?

Sau khi kiểm soát dịch bệnh Covid-19, những tháng đầu năm 2022, lực lượng lao động trên đà phục hồi tốt, có chuyển biến tích cực và gắn kết với chuỗi cung ứng lao động. Song, trong quý IV/2022, lượng đơn hàng giảm sút do tình hình lạm phát, sức cầu yếu của các nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, Nhật Bản… Dù đã chuyển hướng kiểm soát dịch bệnh Covid-19, nhưng Trung Quốc đang mở cửa chậm. Do khó khăn, nhiều DN phải cắt giảm lao động làm cho thị trường lao động bị đứt gãy, thừa lao động vào cuối năm. Tuy nhiên, nhiều tín hiệu cho thấy, kinh tế thế giới đã tới đỉnh lạm phát. Nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ phục hồi, thích nghi và khắc phục tình trạng thiếu hụt năng lượng bằng cách tìm các nguồn thay thế. Dù có chậm, nhưng tiêu thụ hàng hóa sẽ tăng trở lại, nguồn lao động sẽ được cải thiện hơn từ quý II/2023.

Liên quan tới du lịch, du lịch nội địa phục hồi tốt, nhưng du lịch quốc tế phục hồi quá chậm. Nguyên nhân là tỷ giá của đồng USD tăng cao do Chính phủ Mỹ tăng lãi suất, thu hút ngược dòng tiền về nước, nên tiền tệ của các nước khác bị giảm giá, quy đổi sang USD sẽ đắt hơn khiến du khách hạn chế đi du lịch. Cộng với tình hình lạm phát và các mặt hàng tăng giá, nên du lịch quốc tế chưa được cải thiện nhiều so với trước dịch. Nhưng một khi các chỉ số vĩ mô, lạm phát và tỷ giá ổn định thì nhu cầu du lịch sẽ tăng trở lại. Sự phục hồi của ngành du lịch sẽ góp phần đem lại ngoại tệ, nguồn thu trực tiếp cho đất nước, đồng thời gián tiếp quảng bá môi trường đầu tư và thu hút FDI.

Mặt khác, để thu hút du khách quốc tế, chúng ta phải chủ động tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng, gắn với văn hóa vùng miền, văn hóa ẩm thực của quốc gia; cải thiện môi trường, bao gồm cả môi trường đi lại, ăn uống, không khí, chính sách…

Hiện nay, áp lực tăng lãi suất, chi phí khá lớn, hạn chế trong tiếp cận các nguồn lực tài chính tác động tiêu cực đến việc duy trì, mở rộng sản xuất, kinh doanh của DN. Do đó, Chính phủ cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường ngoại hối, kéo giảm lãi suất cho vay (hiện vẫn ở mức 14 - 15%). Về lâu dài, chính sách điều hành cần linh hoạt hơn. Chương trình Phục hồi và phát triển KT-XH phải thực hiện ngay, kịp thời và đúng đối tượng, tránh làm cho DN hoang mang, không mặn mà với chính sách.

Chuyên đề